Chỉ tính riêng trong 2 năm 2021 và 2022, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên số lượng người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động không có nhiều biến động.
Bà Nguyễn Thị Kim Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận hơn 4.000 hồ sơ của người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiền trợ cấp thất nghiệp đã giúp hàng chục nghìn lao động duy trì cuộc sống trong thời gian chưa có việc làm
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Thùy, dự báo trong vài tháng tới, các doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất và đơn hàng nên nhiều khả năng sẽ cắt giảm lao động trong các tháng tới. Theo đó, số người làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể sẽ tăng lên, đặc biệt là trong tháng 4.2023 dự kiến tăng 20%.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho hay, qua thống kê cho thấy, đầu năm 2023 tại các doanh nghiệp ngành gỗ, giày da, may mặc, người lao động quay trở lại làm việc đầy đủ, nhưng khó khăn của việc thiếu đơn hàng vẫn còn trước mắt.
Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải sản xuất cầm chừng để giữ việc làm cho người lao động, đồng thời cải tiến mẫu mã, triển khai mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới đáp ứng công ăn việc làm cho công nhân.
Cũng theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, khó khăn về đơn hàng đã khiến nhu cầu tuyển dụng lao động giảm. Cụ thể: Nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tính đến cuối tháng 2/2023 chỉ đạt hơn 6.000 người, giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm.
Nguyên nhân đến từ việc các doanh nghiệp đã ổn định nguồn lao động từ trước hoặc gặp khó khăn về đơn hàng nên chưa có nhu cầu tuyển dụng mở rộng sản xuất.
Mặt khác, việc tuyển dụng lao động cũng đang gặp khó khăn về việc dịch chuyển nơi ở bởi nhiều lao động thất nghiệp ở thành phố Biên Hoà, nhưng các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lại ở huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch. Doanh nghiệp tuyển dụng ngoài việc đưa rước sẽ phải tìm kiếm chỗ ở cho người lao động.
Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Kim Thùy chia sẻ thêm, nhằm kịp thời hỗ trợ việc làm nhanh chóng cho lao động thất nghiệp, đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đang tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm và 5 văn phòng đại diện các huyện, thành phố Biên Hòa, Long Khánh, tạo mọi điều kiện để các đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động.
“Để hỗ trợ lao động thất nghiệp tìm kiếm việc làm, trung tâm sẽ tuyên truyền bằng nhiều kênh về thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nghề để họ có tay nghề, sớm tìm được công việc phù hợp, ổn định cuộc sống” - bà Nguyễn Thị Kim Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai chia sẻ.
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, tiền trợ cấp thất nghiệp đã giúp hàng chục nghìn lao động duy trì cuộc sống trong thời gian chưa có việc làm, tạo điều kiện để họ sớm quay lại thị trường lao động.
Hưởng bảo hiểm thất nghiệp là quyền chính đáng của người lao động, ngành chức năng sẽ giải quyết nhanh hồ sơ, thủ tục để giúp họ sớm tiếp cận trợ cấp. Tuy nhiên, trước khi nghỉ việc, người lao động cần suy xét thận trọng, đừng vì lợi ích trước mắt mà từ bỏ nghề nghiệp mình đã gắn bó nhiều năm./.