Các ngành nghề đào tạo tập trung chủ yếu về chăn nuôi và trồng trọt như: Kỹ thuật chăn nuôi dê, chăn nuôi lợn, kỹ thuật nhân giống cây trồng, trồng cây có múi, kỹ thuật bon sai - cây kiểng, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật nuôi tôm...

Các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp đã thu hút được số lượng lớn lao động tham gia học nghề để nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn. Sau học nghề, trên 80% lao động nông thôn đã được giải quyết việc làm thông qua việc tự tạo việc làm, áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, thời gian tới, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh


Nguồn lao động trẻ ở nông thôn giúp cho nhiều HTX ở Bến Tre khởi sắc.
Ảnh: thoibaokinhdoanh.vn


Theo đó, Bến Tre tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Nông nghiệp, góp phần phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 7.500 lao động nông thôn (bình quân đào tạo khoảng 1.500 lao động/năm). Đáng chú ý, tỉnh ưu tiên đào tạo nghề phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn, nghề quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về tầm quan trọng của học nghề, áp dụng kỹ năng, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, thu nhập và tạo việc làm.

Bến Tre xây dựng mô hình đào tạo nghề phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tỉnh chú trọng đào tạo gắn với liên kết “4 nhà”, đào tạo nghề đi đôi với giải quyết công ăn việc làm, lồng ghép đào tạo nghề với hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, đảm bảo sau khi học nghề người lao động tạo được sự chủ động trong sản xuất.

Về lâu dài, Bến Tre tăng cường liên kết giữa các trường nghề, cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ chuyên môn và tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề, cơ sở đào tạo. Đồng thời, tỉnh xây dựng chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ, các nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình đào tạo nghề.

Công tác củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả mạng lưới và hệ thống giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề được xem là một trong các giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn Bến Tre. Đến nay, toàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 14 cơ sở công lập, 7 cơ sở thuộc doanh nghiệp và tư thục. Giai đoạn 2011-2020, từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, tỉnh đã đầu tư hơn 26,7 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và các cơ sở dạy nghề công lập../.

 

Công Trí