Theo đó, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động trước những cú sốc như đại dịch, thiên tai, suy thoái kinh tế, khủng hoảng thị trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp, theo tờ trình Chính phủ dự thảo hồ sơ xây dựng Luật việc làm (sửa đổi).

Cụ thể, Bộ kiến nghị tất cả người có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng từ 1 tháng trở lên sẽ tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã cũng phải tham gia.

Với đề xuất này thì gần 1,7 triệu lao động có hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng sẽ tham
gia bảo hiểm thất nghiệp. 
Ảnh: Ngọc Thành


Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 16 triệu (37% lực lượng lao động), trong khi số đóng bảo hiểm thất nghiệp là 14,3 triệu (31%). Với đề xuất này thì gần 1,7 triệu lao động có hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng sẽ tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Luật hiện hành quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Người lao động đóng đủ 12 - 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Cũng trong đề xuất, mức đóng tối đa vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là người lao động đóng 1% tiền lương tháng, doanh nghiệp đóng 1% tổng quỹ lương tháng và ngân sách nhà nước hỗ trợ 1%. Tùy thực tế, Chính phủ quyết định mức đóng cụ thể thay vì phải xin ý kiến Quốc hội. Có thể chỉ 0,5% tránh kết dư quá nhiều do đây là quỹ ngắn hạn.

Ngoài ra, Bộ Lao động đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động, chủ doanh nghiệp trước các biến động lớn; quy định về sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp cấp bách.

Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa 15 xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tháng 10/2024; thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025 và có hiệu lực ngày 1/1/2026.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ: Trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Đây được coi là công cụ chống sốc cho kinh tế do tình trạng thất nghiệp gây ra.

Lao động tìm kiếm cơ hội việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: KT


Nguồn quỹ đến từ các khoản đóng góp của giới chủ và người lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Hiện, nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc "có đóng - có hưởng".

Theo quy định hiện hành, mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm một tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng.

Đến hết năm 2022, cả nước có hơn 16 triệu lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; riêng số tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 14,33 triệu, chiếm hơn 31% lực lượng lao động trong độ tuổi.
./.

PV