Nhiều mô hình sinh kế bền vững được tạo lập từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm
Chính sách kịp thời
Trước tình thế này, đầu năm 2022, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 43 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình Phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm theo Nghị định 74 là 1 trong 5 chương trình tín dụng chính sách để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Được biết, Nghị định 74 về việc làm cho phép mức vay tối đa 100 triệu đồng đối với người lao động; đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vay mức tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Thời hạn cho vay nâng lên tối đa 120 tháng. 
Chính nhờ những chính sách kịp thời của Đảng, Nhà nước  mà nhiều người dân trên địa bàn thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp cận được nguồn vốn để duy trì kế sinh nhai, vượt qua được thời điểm khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Qua ghi nhận, nguồn vốn tín dụng ưu đãi chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì việc làm đã giúp nhiều người lao động, hộ kinh doanh tại thị xã Hương Thuỷ xây dựng, phát triển mô hình sinh kế của riêng mình. 
Điển hình như mô hình bưởi da xanh của chị Trần Thị Ngọc Tuyết ở xã Phú Sơn. Với số tiền 100 triệu đồng vay tại NHCSXH thị xã Hương Thuỷ, gia đình chị Tuyết đã tạo dựng được vườn bưởi da xanh với hơn 100 gốc, mang lại lợi nhuận 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, đồng thời giúp giải quyết việc làm cho 3 lao động. 
Cũng từ số vốn vay 70 triệu đồng từ nguồn ưu đãi việc làm, chị Phạm Thị Huệ (xã Thủy Tân) đã có vốn đầu tư mua máy thu, máy sấy yến phát triển mô hình yến sào. Đến nay, mô hình phát triển với mức thu nhập bình quân 17 triệu/tháng, giải quyết việc làm cho 3 lao động nữ tại địa phương.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hương Thuỷ giải ngân vốn vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn
Giúp nhân dân vượt qua khó khăn bởi đại dịch
Nguồn tín dụng ưu đãi chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ NHCSXH thị xã Hương Thuỷ cũng đã giúp chị Nguyễn Thị Kim Vàng (phường Phú Bài) đầu tư mở xưởng cơ khí sắt thép. Xưởng của chị đến nay đã tạo công ăn việc làm cho 7 đến 8 lao động thường xuyên và mang lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Hay như ông Võ Khắc Tuấn (phường Phú Bài) cũng đã được vay 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng xưởng mộc dân dụng của mình.
Cùng làm công nhân may tại Khu công nghiệp Phú Bài, đời sống của hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Oanh (Tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thu nhập thấp, nhất là trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. 
Vừa qua, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, gia đình anh chị được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Hương Thủy. 
Với nguồn vốn này, vợ chồng chị Oanh đã thuê máy móc và nhân công để cải tạo đất, xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng. Hiện nay, mô hình của gia đình này đã đi vào ổn định, cung ứng nhiều sản phẩm đa dạng từ cá giống, cá thịt, thỏ giống, gà kiến, trứng cút cùng nhiều loại cây trồng xen ghép có giá trị thương phẩm cao như: bưởi da xanh, chè, gừng, nghệ... 
Theo ước tính, mỗi năm trừ chi phí, mô hình chăn nuôi của vợ chồng chị Oanh đem lại lợi nhuận hơn 250 triệu đồng. Không chỉ tạo thu nhập cho bản thân, mô hình của gia đình chị Oanh còn giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động và từ 7 đến 10 lao động địa phương theo mùa vụ./.


CTV