(ĐCSVN) - Có hiệu lực từ ngày 01/01/2009, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách mới trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Song quan trọng hơn vẫn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm. Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách BHTN đã đạt được những kết quả quan trọng.

 

Tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên. Ảnh: Minh Anh/dangcongsan.vn


Thông tin từ Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cho biết, trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp đã được đặc biệt quan tâm ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đa dạng về hình thức và nội dung, tạo nhiều kênh thông tin để người lao động người sử dụng lao động có thể được tiếp cận thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Kết quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã nâng cao hiểu biết, nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; được xã hội đánh giá đúng vai trò, vị trí và ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đến nay, các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp đã được ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, đáp ứng được những vấn đề đặt ra và theo thông lệ quốc tế. Các chính sách đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, thực sự là điểm tựa của người lao động, người sử dụng lao động; góp phần đảm bảo an sinh xã hội; được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao.

Ông Lê Quang Trung-Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm đánh giá: Kết quả thực hiện chính sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho thấy số người tham gia tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng qua từng năm, đến nay là gần 13 triệu người tham gia, vượt so với dự kiến. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường và hiệu quả; 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hơn 180 nghìn người được hỗ trợ học nghề.

Để góp phần đưa chính sách vào thực tiễn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, các địa phương, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức đào tạo, tập huấn bảo hiểm thất nghiệp cho 100% cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp các trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt quan tâm đào tạo về kỹ năng, quy trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp, quy trình tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp;đồng thời, tổ chức các hội nghị để chia sẻ kinh nghiệp thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, mô hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp để các trung tâm dịch vụ việc làm nghiên cứu, áp dụng;

Xây dựng quy trình nghiệp vụ và mô hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp;

Hỗ trợ nhân sự và tài chính để thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường công tác hướng dẫn thanh tra, kiểm tra chuyên đề và yêu cầu các địa phương tự kiểm tra. Thường xuyên tổ chức đánh giá, nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện chính sách, tổ chức thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham mưu và tạo điều kiện, giao nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của Luật Việc làm.

Các Trung tâm dịch vụ việc làm đã thực hiện mô hình theo hướng dẫn để thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tùy từng điều kiện cụ thể để tạo điều kiện và hỗ trợ tốt nhất cho người lao động trong quá trình hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Các trung tâm dịch vụ việc làm đều tăng cường công tác thông tin thị trường lao động, hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp, trong đó Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ, Bình Dương, TP. Hà Nội...có nhiều hoạt động mới, thiết thực để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được đặc biệt quan tâm, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tập trung triển khai thực hiện, đa dạng hóa các hình thức và cải tiến quy trình thực hiện, số lượng và hiệu quả người được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (trên 96,8% so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp): nếu năm 2010 có 125.562 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm thì đến năm 2015 là 463.859 lượt người(tăng 3,6 lần so với năm 2010) thì đến năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.390.429 lượt người tăng hơn 10 lần so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010.

Nhóm PV