Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Nâng cao trách nhiệm, tăng cường tính chủ động của người lao động trong việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ và kiến thức cần thiết trước khi vào làm việc ở các tổ chức, doanh nghiệp trong nước cũng như đi lao động ở nước ngoài. Luật pháp Việt Nam quy định: “Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài phải chủ động học nghề, ngoại ngữ, tìm hiểu pháp luật có liên quan và tham gia các khoá bồi dưỡng kiến thức cần thiết do doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức" (Khoản 1 Điều 62 Luật số 72/2006/QH11).

Luật quy định ràng buộc trách nhiệm mang tính pháp lý đối với các cá nhân, tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thực hiện công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động. Đối với công tác dạy nghề, ngoại ngữ "Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức hoặc liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài" (Điều 63 Luật số 72/2006/QH11).

Từ khi Luật số 72/2006/QH11 có hiệu lực và từng bước đi vào cuộc sống, chất lượng lao động Việt Nam từng bước được nâng lên; Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tuy nhiên, bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã và đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với người lao động Việt Nam. Đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo hay trình độ tin học, ngoại ngữ… Vấn đề đào tạo nghề, ngoại ngữ cũng như các kỹ năng khác cho người lao động lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nếu không muốn tụt lại phía sau.

Một lớp dạy ngoại ngữ tại Trung tâm dịch vụ Việc làm Quảng Trị

Thực tế, việc đầu tư cho dạy nghề là đầu tư lâu dài, đòi hỏi kinh phí lớn nên không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có khả năng để đầu tư. Nhất là việc đào tạo nghề và ngoại ngữ phải mang tính chuyên môn mới đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng. Chính vì vậy, Nhà nước chủ trương tạo cơ chế mở trong việc tổ chức đào tạo cho người lao động. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức hoặc liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nhận thức được vai trò, vị trí của mình, trong những năm qua, Hệ thống TTDVVL trong cả nước đã chủ động trong công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động, nhất là lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cơ sở, vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ của các TTDVV vẫn còn sơ sài, thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề, học ngoại ngữ của người lao động; việc liên kết với các cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Đây là những bất cập, hạn chế của Hệ thống TTDVVL trong việc đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động, mặc dù công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ là một trong những chức năng nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hệ thống TTDVVL, nó gắn liền với công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đặc biệt là lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Cần tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn… tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với toàn xã hội. Để người lao động chủ động hơn trong việc đào tạo và tự đào tạo…

Đồng thời, nhà nước cần tiếp tục có chính sách đầu tư về cơ sở, vật chất cho Hệ thống TTDVVL trong cả nước để các TTDVVL thực sự phát huy được những tiềm năng vốn có, những lợi thế đồng bộ trong triển khai thực hiện: Tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, dạy nghề, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp… Trong đó, tăng cường công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động là một hoạt động không thể xem nhẹ./.

Trường Sơn