Bình Phước là một tỉnh miền núi có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, là cửa ngõ và là cầu nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Campuchia, có 41 dân tộc khác nhau cùng sinh sống với dân số gần 1 triệu người.
Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lộc Ninh hướng dẫn người dân làm thủ tục
vay vốn tạo việc làm
Trong những năm qua, kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt. Địa phương đã nỗ lực để tăng trưởng kinh tế luôn hài hòa với đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, được sự quan tâm của các cấp, các ngành nên việc triển khai thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác lao động, công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo cho hộ nghèo dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm và đạt được một số kết quả khả quan.
Đồng chí Nguyễn Lương Ngân, Phó Trưởng Ban Dân tộc Bình Phước
Đồng chí Nguyễn Lương Ngân, Phó Trưởng Ban Dân tộc Bình Phước chia sẻ: Trên thực tế, nguồn lao động của tỉnh Bình Phước chất lượng còn hạn chế, đội ngũ lao động chất lượng cao, công nhân lành nghề vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, sự dịch chuyển lao động từ các tỉnh đến Bình Phước là rất lớn, lao động mùa vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn có thu nhập cao hơn nên việc thu hút lao động vào làm việc khu vực công nghiệp và dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người dân tương đối nhiều nhưng còn gặp khó khăn về chi phí đi xuất khẩu, do họ không thuộc diện chính sách nên không được vay vốn đi xuất khẩu lao động (theo quy định Nghị định 61/2015/NĐ-CP), vì vậy, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh còn ít. Tuy nhiên, khắc phục những hạn chế đó, công tác giải quyết việc làm ở Bình Phước đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Phước
Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Phước chia sẻ: Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với khoảng trên 196 nghìn người, chiếm khoảng trên 20% tổng dân số, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm và đạt kết quả tích cực, đời sống người đồng bào DTTS được cải thiện.
Với quyết tâm thực hiện giảm nghèo bền vững cũng như chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Phước đã huy động, tập trung mọi nguồn lực, tích hợp các chính sách đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó tập trung hỗ trợ các nhu cầu thực tế của hộ nghèo như hỗ trợ xây dựng nhà ở, sửa nhà, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, hỗ trợ con giống, nông cụ, nước sinh hoạt…, nhiều địa phương làm tốt công tác này như huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp…
Ông Hồ Quang Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh
Ông Hồ Quang Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh chia sẻ: Trong thời gian tới, công tác giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS vẫn là nội dung trọng tâm mà tỉnh Bình Phước tập chung chỉ đạo. Đó là việc duy trì tốt việc cập nhật thông tin cung - cầu lao động để có nguồn số liệu chính xác, chi tiết phục vụ cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm giai đoạn từ nay đến 2025 và các giai đoạn tiếp theo. Thực hiện cho vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tạo việc làm mới cho người lao động, ưu tiên cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm đối với các đối tượng thuộc vùng được chuyển đổi mục đất nông nghiệp sang để phục vụ làm các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các xã được chọn điểm thuộc Đề án nông thôn mới của Chính Phủ.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về việc làm, đào tạo nghề cho người lao động. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề, thu hút các cơ sở dạy nghề tư thục, các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực giải quyết việc làm để từ đó có được một cái nhìn toàn diện về công tác giải quyết việc làm, đánh giá đúng và khách quan về các chỉ tiêu đặt ra. Tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn kinh phí giải quyết việc làm và đào đạo nghề từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đồng thời tiếp tục cân đối nguồn ngân sách địa phương để bổ sung vào nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trong thời gian tới./.