Bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “điểm tựa” cho người lao động
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến nay cả nước đã có khoảng 15 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với số người tham gia tăng, số thu bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng. Từ năm 2015 đến nay, số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân 15%/năm. Trong giai đoạn 2015-2021, bình quân mỗi năm có 750.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp chiếm khoảng 6,1% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 9.600 tỉ đồng. Chỉ tính riêng năm 2022, số người đến nộp hồ sơ hưởng TCTN là 889.011 người; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 879.557 người.
Do ảnh hưởng sau hai năm dịch bệnh COVID-19, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu đơn hàng giảm, thu hẹp sản xuất đã cắt giảm hàng nghìn lao động, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của rất nhiều công nhân.
Cùng với phương án cắt giảm lao động thời vụ, không ít nhà máy sản xuất bị tác động rõ rệt từ đơn hàng bị cắt giảm cho nên đã giảm việc, giảm thời gian tăng ca và không áp dụng đi làm ngày nghỉ đối với lao động chính thức. Từ đó, kéo theo thu nhập của người lao động giảm sút, việc làm bấp bênh.
Đánh giá về việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: “Thời gian qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, khi xảy ra đại dịch COVID-19, thị trường lao động biến động mạnh với những rủi ro đột biến, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đóng vai trò nổi bật trong việc hỗ trợ người lao động bị mất việc làm ổn định cuộc sống trước mắt”.
Cũng theo ông Vũ Trọng Bình, vai trò của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ở tất cả các nước trên thế giới, cả về mặt lý luận và thực tiễn đều đã khẳng định rõ không chỉ chi trả, chia sẻ rủi ro mà quan trọng hơn là còn phải hỗ trợ người lao động thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động. Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch Covid-19 tác động đến thị trường lao động, các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp cũng đã phát huy rất tốt vai trò “giá đỡ” của mình. Số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và số hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều tăng mạnh trong hai năm dịch bệnh.
Thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp cũng kịp thời trợ giúp người lao động bảo đảm cuộc sống; đóng vai trò “hấp thụ sốc tự động” cho nền kinh tế; giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước khi không phải cấp kinh phí hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Tuân thủ những quy định kiểm soát dịch bệnh cần hạn chế tập trung đông người, các trung tâm đã nhanh chóng triển khai dịch vụ bằng hình thức trực tuyến và từ xa, bảo đảm khả năng tiếp cận quyền lợi từ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm
Dịch vụ việc làm Tp. Hồ Chí Minh
Sau 13 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm; chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã làm tốt việc chi trả, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, nhưng để đáp ứng được yêu cầu đề ra vẫn còn nhiều việc phải làm.
Nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội đã trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Việc làm với trọng tâm là sửa đổi các quy định, chế độ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động, hướng đến mục tiêu chủ động phòng ngừa thất nghiệp.
Trong dự thảo hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội đề xuất bổ sung tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thường là đối tượng có nguy cơ thất nghiệp cao. Vì thế, khi họ tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp nếu mất việc; tăng cơ hội chuyển đổi việc làm; nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới phù hợp
Cũng theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc mở rộng đối tượng sẽ góp phần giảm chi phí chi chế độ trợ cấp thất nghiệp, do tăng cường thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm nên người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, hạn chế nhận trợ cấp thất nghiệp.