Tỉnh Bắc Ninh triển khai các biện pháp kịp thời nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động
11.505 người lao động được trợ cấp thất nghiệp
Trong những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường năng lực hoạt động của Sàn giao dịch việc làm, tư vấn tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo. 
Tính riêng trong năm 2022, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm, chính sách lao động cho 53.943 lượt lao động (đạt 112 % kế hoạch); Tiếp nhận và giới thiệu việc làm cho 7.748 lao động (đạt 103% kế hoạch năm); Tổ chức 5 buổi tư vấn kỹ năng tìm việc làm cho học sinh, sinh viên thu hút hơn 1.000 học sinh, sinh viên tại các trường nghề tham gia (đạt 100% kế hoạch).
Đặc biệt, Trung tâm đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 11.505 người lao động, hỗ trợ học nghề cho 130 người; Tư vấn tuyển sinh lao động có nhu cầu đăng ký học nghề, học ngoại ngữ, tin học cho 2.860 lượt người (đạt 100% kế hoạch).
Để giải quyết việc làm, giảm thiểu thấp nhất tình trạng thất nghiệp của người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các biện pháp kịp thời nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội. 
Trong đó, tập trung vào nhiều giải pháp như: Hỗ trợ trực tiếp người lao động theo hướng kết nối cung - cầu lao động để người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động; Hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động vay vốn ưu đãi; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng lao động phục vụ cho doanh nghiệp theo các cấp độ từ đào tạo phổ cập nghề đến đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại; Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm để kết nối việc làm cho lao động thông qua Trung tâm DVVL…Nhờ những giải pháp linh hoạt, hiệu quả, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng. 
Theo thống kê, trong năm 2022, thông qua Quỹ cho vay giải quyết việc làm có 9.866  đối tượng được vay vốn tạo việc làm và ổn định thu nhập với tổng số tiền cho vay 508 tỷ đồng, trong đó có 6.906 lao động được tạo việc làm mới; số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm là 7.748 lao động; số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng so với năm 2021 với 950 lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước Trung Đông…
Ông Nguyễn Kim Triều, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh
Hướng đến thị trường lao động theo hướng hiện đại, phù hợp với cam kết quốc tế
Thời gian qua, việc đảm bảo an ninh xã hội nhằm giữ chân người lao động tại các doanh nghiệp cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh. Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp thu hút nhiều lao động ngoài tỉnh đến làm việc (trên 75% là lao động ngoài tỉnh) do đó, việc đảm bảo đời sống cho công nhân lao động, giúp họ yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. 
Thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, toàn tỉnh có 8.104 đơn vị, doanh nghiệp; 368 hộ kinh doanh; 604.810 người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (trong đó có 2.198 lao động mang thai và 41.461 trẻ em dưới 6 tuổi) đã được hỗ trợ với số tiền hơn 778 tỷ đồng. 
Năm 2023, tỉnh Bắc Ninh hướng đến thị trường lao động theo hướng hiện đại, đầy đủ, phù hợp với những cam kết quốc tế, vận hành linh hoạt nhằm kết nối cung - cầu lao động, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Trong đó, đặt mục tiêu đưa 1.300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%.
Tỉnh Bắc Ninh hướng đến thị trường lao động theo hướng hiện đại, phù hợp với cam kết quốc tế 
Để đạt được những chỉ tiêu trên, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động và hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động các thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động; các biện pháp ổn định và phát triển thị trường truyền thống…/.



PV