Những năm qua, việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong xã hội, sự hưởng ứng của người dân. Nhờ đó, kết quả giảm nghèo của tỉnh đạt được trong giai đoạn 2016-2020 cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra.

Ảnh minh họa (Nguồn: backan.gov.vn)


Nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực, công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho người lao động là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu tại tỉnh Bắc Kạn. Trong thời gian vừa qua, song song với việc đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất để phục vụ dạy và học, việc cải tiến chương trình, xây dựng chiến lược đào tạo, đa dạng ngành nghề, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi… cũng được chú trọng. Bên cạnh đó, các trung tâm đào tạo nghề còn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tăng cơ hội cọ xát, tiếp xúc thực tế cho học viên, giúp họ được thực hành những lý thuyết, kiến thức đã được giảng dạy trong nhà trường. Nhờ đó, đội ngũ lao động tương lai không chỉ được nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ mà còn có cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Sự phối hợp này cũng đem lại lợi ích cho doanh nghiệp khi họ tìm được đội ngũ lao động có trình độ, phù hợp với yêu cầu, bởi vậy, các doanh nghiệp đều tích cực hưởng ứng. Uy tín đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bắc Kạn từng bước được khẳng định khi ngày càng nhiều người trẻ đăng ký theo học các ngành nghề.

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh. Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất. Thông tin với báo chí, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Trung tâm đã thực hiện hiệu quả công tác tư vấn những vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, yêu cầu trong công việc… để giúp ứng viên hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trước khi cam kết gắn bó với doanh nghiệp. Nỗ lực đa dạng hóa các hình thức giới thiệu - tư vấn như tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, tư vấn trực tuyến, giới thiệu thông tin tuyển dụng qua cổng thông tin vlbackan.vieclamvietnam.gov.vn..., Trung tâm đã giúp người lao động cũng như người sử dụng lao động tiết kiệm thời gian, nhanh chóng tìm được công việc/ứng viên phù hợp, qua đó góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp.

Ngoài ra, xuất khẩu lao động được xác định là một chiến lược phù hợp để xóa đói giảm nghèo tại tỉnh Bắc Kạn. Do những trở ngại về địa hình, nhiều xã như Xuân Lạc, Đông Lạc… có tỉ lệ hộ nghèo cao, người dân làm nông nghiệp vất vả nhưng vẫn không đủ ăn do thiếu đất canh tác. Tuy nhiên, thông qua con đường đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong những năm gần đây, số gia đình thoát khỏi tình trạng đói nghèo trên toàn tỉnh đã tăng lên đáng kể. Kết quả khả quan đó xuất phát từ những cố gắng của tỉnh trong việc phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài, hỗ trợ người dân vay vốn, đào tạo nghề (đặc biệt là các nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp) và ngoại ngữ cho người lao động để họ đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và kĩ năng của các doanh nghiệp thuộc những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Đồng thời, nhằm đảm bảo chất lượng của dịch vụ môi giới lao động, những doanh nghiệp đăng ký tư vấn xuất khẩu lao động tại Bắc Kạn đều được yêu cầu trình hồ sơ chứng minh năng lực để tỉnh thẩm định, tránh những rủi ro tiềm ẩn làm ảnh hưởng tới người lao động. Nhờ đó, hàng nghìn người dân Bắc Kạn, trong đó chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, đã có việc làm ổn định ở nước ngoài và có thu nhập cao. Nhờ tích lũy được vốn, học tập kinh nghiệm làm việc và quản lý ở ngoại quốc, nhiều người sau khi về nước đã tự mở cơ sở sản xuất, kinh doanh của riêng mình, khắc phục tình trạng tái nghèo./.

 

Nhóm PV