Một mô hình sản xuất được vay vốn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc Tạ Ngọc Thảo cho biết: Ngay sau khi nhận được Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai; chỉ đạo Hội sở và Phòng giao dịch các huyện, thành phố báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo UBND cấp huyện để chỉ đạo các phòng, ban, UBND cấp xã và các đơn vị liên quan phối hợp với NHCSXH trong việc rà soát đối tượng, xác định nhu cầu vay vốn của khách hàng trên địa bàn trong giai đoạn 2022-2023. Tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, cấp huyện Quyết định giao vốn cho các đơn vị xã, phường, thị trấn; đồng thời phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn nhanh chóng triển khai cho vay trong thời gian sớm nhất có thể nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 có nguồn vốn phục hồi phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Theo đó, nguồn vốn vay giải quyết việc làm đợt này sẽ được giải ngân cho vay tối đa 100 triệu đồng/người lao động, với thời hạn cho vay đến 120 tháng, lãi suất là 7,92%/năm, người vay có trách nhiệm nộp lãi hàng tháng và trả gốc định kỳ 6 tháng/lần.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Đức Hải, trú tại Vĩnh Thịnh 2, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên là người được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư sản xuất kinh doanh nghề mộc. Trước đây, vợ chồng anh chị đi làm mộc thuê cho người khác, công việc lúc có lúc không nên thu nhập không được bao nhiêu. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 khiến anh chị phải nghỉ việc thời gian dài.
Nhiều đêm nằm suy nghĩ, nếu cả đời đi làm thuê thì cuộc sống gia đình không thể khá lên. Thế rồi, anh Hải mạnh dạn vay vốn của NHCSXH tỉnh, số tiền 100 triệu đồng. Cùng với sự giúp đỡ của người thân, gia đình mở xưởng mộc sản xuất đồ dân dụng như giường, tủ, bàn ghế, cầu thang, cửa,…phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn và các vùng lân cận.
Việc mở xưởng mộc đã tạo việc làm ổn định cho vợ chồng anh Hải; khi đơn hàng ngày một nhiều lên, anh chị làm không kịp nên đã thuê thêm 3 người, thậm chí có lúc 5 – 7 người với mức lương 6 – 12 triệu đồng/người/tháng tùy theo vị trí công việc. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng từ 30 – 40 triệu đồng, đã trừ các khoản chi phí.
Anh Hải là một trong số rất nhiều lao động trong cả nước được tiếp cận nguồn vốn ý nghĩa này, không những vừa tạo việc làm cho người lao động, vừa giữ chân được người lao động ở lại quê hương lập nghiệp, như gia đình chị Hạ Thị Thu Hằng ở Vĩnh Ninh, phường Tích Sơn chia sẻ: Trước đây gia đình chỉ có xưởng cơ khí nhỏ, thu nhập thấp do không có vốn. Để thay đổi phương thức sản xuất, chị Hằng quyết định vay vốn từ NHCSXH để đầu tư nhà xưởng và mở rộng kinh doanh.
“Tôi được vay 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy móc, nhà xưởng, thuê thêm nhân công, từ đó đã giúp xưởng cơ khí của gia đình chúng tôi cho ra hiệu quả cao hơn. Tôi nghĩ, với vốn vay lãi suất thấp, thời gian dài và không phải thế chấp tài sản mới giúp chúng tôi mạnh dạn đầu tư sản xuất và sẽ tạo ra thu nhập” - chị Hằng cho biết thêm.
Nhờ nguồn vốn vay gia đình chị Hằng đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương
Cũng theo ông Tạ Ngọc Thảo, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, người lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn động lực, ý chí quyết tâm tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tập trung huy động, tham mưu bổ sung nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn từ Ngân sách địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tạo việc làm của người dân; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, ban ngành của tỉnh rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn và kịp thời giải ngân nguồn vốn. Cùng với đó là kịp thời hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và làm giàu cho gia đình, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương…