Đến nay, anh Bùi Văn Khương (SN 1990), xóm Quyết Thắng, xã Lạc Lương, huyện Yên Thuỷ (Hòa Bình) đã nhận được tiền chi trả trợ cấp BHTN trong 4 tháng liên tục với mức trợ cấp hơn 2.130.000 đồng/tháng (bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc). Anh Khương cho biết: quá trình làm nhân viên bán hàng cho công ty TNHH MTV Nguyễn Minh, tôi đã tham gia đóng BHTN trong 84 tháng. Trên cơ sở đó, tôi được giải quyết hưởng 7 tháng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền trợ cấp hàng tháng đã chia sẻ rủi ro, giúp tôi đảm bảo duy trì cuộc sống và vơi bớt sự hẫng hụt trong thời gian tìm kiếm việc làm phù hợp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hòa Bình tiếp nhận, hướng dẫn người lao động mất việc làm nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Minh họa

 

Thể theo nguyện vọng từ phía người lao động, chị Hoàng Thị Luyến (SN 1983) ở xóm Thành Sơn, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn vừa nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành. Trước khi nghỉ việc, chị Luyến là công nhân vận hành máy may công nghiệp tại công ty TNHH may mặc Esquel-Khu công nghiệp Lương Sơn, thời gian đóng BHTN 94 tháng. Mức trợ cấp chị được hưởng kể từ ngày 30/1-29/8/2023 là 2.613.000 đồng/tháng, việc chi trả kịp thời, thuận tiện qua tài khoản ATM. Hàng tháng, chị thực hiện thông báo về tìm kiếm việc làm theo quy định.

Những tháng đầu năm, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh buộc phải cắt giảm số lượng nhân công do khó khăn về đơn hàng. Người lao động trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm cũng tăng lên ở thời điểm này. Bình quân mỗi ngày làm việc trong tuần, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và 4 Văn phòng đặt tại khu vực các huyện Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ, Lạc Sơn, Lương Sơn tiếp nhận hàng chục hồ sơ đề nghị hưởng chế độ BHTN. Đơn cử là trường hợp chị Bùi Thị Niểm (SN 1980) ở xóm Quyển, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, công nhân thao tác tại công ty TNHH GoerTek Vina, Khu công nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh); Bùi Thị Lâm (SN 1981) ở xóm Khụ, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, công nhân tại công ty TNHH Nhựa Lạc Sơn… vừa nộp hồ sơ xin giải quyết trợ cấp BHTN sau khi nghỉ việc vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hòa Bình tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp. 

 

Tính đến trung tuần tháng 4, gần 900 người lao động trong tỉnh đã nộp hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ BHTN. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 6.273 trường hợp đề nghị giải quyết chính sách. Theo đồng chí Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, BHTN vừa là chỗ dựa vật chất, vừa là điểm tựa tinh thần cho người lao động trang trải cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong thời gian họ mất việc làm, mất nguồn thu nhập. Không chỉ có vậy, người lao động tham gia BHTN có có hội được học nghề, tìm kiếm những công việc mới phù hợp hơn để có thể tiếp tục phấn đấu vươn lên, tham gia vào thị trường lao động. Đến với Trung tâm, đối tượng làm thủ tục hưởng chính sách BHTN được tư vấn chuyên sâu, người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước, đặc biệt là chương trình xuất khẩu lao động. Trong năm 2022, có 139 trường hợp được đào tạo phát triển tay nghề từ nguồn quỹ BHTN với mức hỗ trợ học phí tối đa là 1.500.000 đồng (chi trả cho cơ sở đào tạo).

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về điều kiện, hồ sơ, thủ tục, mức hưởng chế độ BHTN với nhiều hình thức như hội thảo, hội nghị, trên trang thông tin điện tử, báo đài giúp người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ. Qua đó, góp phần đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, cải thiện an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.      
     
 




PV