Nguồn vốn vay Nghị quyết số 11/NQ-CP- “Đòn bẩy” giải quyết việc làm cho
người dân Kiên Giang
Xác định chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Trong những năm qua, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Đồng thời, phối hợp với các Ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh, huyện đến xã, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn.
Để nguồn vốn vay đạt hiệu quả, đúng mục đích, khi các hộ có nhu cầu vay vốn, Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội tiến hành kiểm tra, đánh giá về mô hình, dự án các hộ vay vốn dự kiến triển khai. Sau khi nguồn vốn đến tay người dân, Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình các hộ sử dụng nguồn vốn vay có đúng mục đích hay không, quy mô sản xuất…
Bà Đinh Thị Tươi ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất cho biết: Trước đây, gia đình bà luôn thiếu trước hụt sau. Nhờ có được nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách với lãi suất ưu đãi, hình thức trả cũng rất tiện lợi nên gia đình bà rất vui và phấn khởi. Có số vốn này, gia đình bà Tươi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi heo để các thành viên trong gia đình đều có việc làm từ đó cải thiện kinh tế gia đình.
Tương tự, chị Đào Ngọc Thi ở ấp Ngã Cạy, xã Đông Yên cho biết: Năm 2022, chị vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm để phát triển mô hình may đồ và bán vải. Từ nguồn vốn vay ban đầu, chị Thi đầu tư mua máy may, mua vải để may và bán vải. Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc may đồ của gia đình chị gặp không ít khó khăn. Không nản lòng, chị đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật dạy nghề may do các cấp hội tổ chức; học hỏi những người có kinh nghiệm ở địa phương để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình mình.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị Đào Ngọc Thi đã phát triển mô hình may đồ và bán vải đem lại thu nhập ổn định. Vui mừng với thành quả đạt được, chị Thi tâm sự: “Nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp gia đình tôi có cơ hội để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó, vươn lên ổn định cuộc sống”.
Từ nguồn vốn vay chị Đào Ngọc Thi, ấp Ngã Cạy, xã Đông Yên đã có điều kiện
mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập
Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nguyễn Quốc Thịnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xác định nguồn vốn vay GQVL là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã triển khai kịp thời các chính sách, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Tổng nguồn vốn cho vay đến ngày 31/10 của chi nhánh đạt gần 5.400 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm 2023, tương đương 12,5%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 5.379 tỷ đồng, tăng 595 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 75,6% kế hoạch tăng trưởng năm 2023. Tổng số khách hàng đang vay vốn gần 157.600 hộ; dư nợ bình quân 34,13 triệu đồng/khách hàng. Từ ngày 27/4/2022 đến ngày 31/10/2023, chi nhánh đã giải ngân số tiền gần 588 tỷ đồng cho 4.776 khách hàng vay vốn; dư nợ còn lại hơn 580 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giúp nhiều cá nhân, gia đình, hợp tác xã,…ở tỉnh Kiên Giang có “đòn bẩy” để mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho bản thân và lao động địa phương. - Đồng chí Nguyễn Quốc Thịnh khẳng định.
Thông qua các hình thức cho vay từ Chương trình đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Ngoài hỗ trợ tạo việc làm, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng chính sách xã hội cũng giúp hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn, hộ khó khăn tại khu vực đô thị thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.