Hội nghị được tổ chức tại 1.052 điểm cầu trong cả nước với trên 30.000 đại biểu. Trong đó có 3 điểm cầu Trung ương tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; 50 điểm cầu cấp tỉnh, 278 điểm cầu cấp huyện, 721 điểm cầu cấp xã.

Khó khăn từ dịch bệnh

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Vũ Trọng Bình cho biết: Làn sóng đại dịch COVID-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng trở thành cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm, tình trạng thâm hụt việc làm và bất bình đẳng đã khiến sinh kế của hàng trăm triệu người lao động bị đảo lộn, hầu hết các quốc gia đều phải gánh chịu mức sụt giảm việc làm và thu nhập ở mức “nghiêm trọng, làm gia tăng bất bình đẳng hiện hữu và tạo nguy cơ để lại “vết sẹo” lâu dài đối với người lao động và doanh nghiệp”. Mức thiếu hụt thời giờ làm việc của Quý II năm 2021 là 4,4%, được đánh giá là tương đương với số giờ làm việc tương ứng theo từng quý “của 140 triệu và 127 triệu lao động toàn thời gian” và tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch thì mức độ ảnh hưởng về lao động, việc làm thậm chí sẽ còn cao hơn nhiều so với mức chung toàn cầu. Bên cạnh đó, đại dịch làm cho “thu nhập của người lao động giảm mạnh và tỷ lệ nghèo gia tăng”. Cùng với đó, hệ quả là những tiến bộ đạt được trong 5 năm vừa qua hướng tới xoá bỏ tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo đã trở lại điểm xuất phát khi tỷ lệ có việc làm vẫn nghèo quay lại mức của năm 2015.

Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Vũ Trọng Bình báo cáo
tại Hội nghị. Ảnh: PT/dangcongsan.vn


Việt Nam đã trải qua 04 đợt bùng phát dịch COVID-19, nhất là đợt thứ 4 từ ngày 27/4/2021, là đợt dịch diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động.

Do tác động của đại dịch COVID-19 lần thứ 4, tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và việc triển khai các giải pháp mạnh nhằm phòng, chống dịch nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân,… thời gian qua, theo thống kê từ báo cáo của các địa phương, đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương (chiếm khoảng 60% số người dân di chuyển, trong đó khoảng 292 nghìn người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và 450 nghìn người trở về từ một số tỉnh trọng điểm phía Nam).

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực  bởi dịch COVID-19, tăng 40,6% so với quý I năm 2021 (9,1 triệu người), trong đó có 557 nghìn người bị mất việc làm, tăng 3,1% so với quý I năm 2021 (540 nghìn người), 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, tăng 53,5% so với quý I (2,8 triệu người); 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, tăng 38,7% so với quý I (3,1 triệu người) và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, tăng 30,7% so với quý I (6,5 triệu người). Số người thất nghiệp trong quý II/2021 là 1,2 triệu người (2,62%), tăng so với quý I là 0,2% và 0,46% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 7 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng có 11,38 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, chủ yếu trong các ngành bán buôn, bán lẻ, xây dựng, lưu trú, ăn uống, giáo dục, đào tạo.

Đặc biệt đợt dịch thứ 4 đã xâm nhập và tác động trực tiếp vào các đô thị lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp, nơi sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách và liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị toàn cầu. Tại 23 tỉnh, thành phố đã phải áp dụng giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý III năm 2021 ở mức 3,98% là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động càng khó khăn hơn.

Chủ động đảm bảo an sinh xã hội

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ- UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Chính phủ đã ban hành Nghị định  số  20/2021/NĐ-CP  ngày  15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách khác nhằm hỗ trợ người dân, người lao đông và doanh nghiệp như: Cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ); gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất (Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ); tiếp tục miễn giảm 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021; Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ giảm tiền điện; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 (Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ); một số địa phương thực hiện hỗ trợ giá nhà trọ và giảm giá tiền nước sinh hoạt cho các hộ gia đình;...

Được sự đồng ý về chủ trương của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Những chính sách ban hành nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng, tác động sâu bởi đại dịch, bao gồm cả người dân, người lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động, những đối tượng yếu thế, phụ nữ mang thai, trẻ em mồ côi cha, mẹ vì đại dịch... cũng như những ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch như vận tải, hàng không, dịch vụ lưu trú, du lịch...

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH của 63 tỉnh, thành phố đến ngày 07/11/2021, tổng kinh phí phê duyệt thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là 26,39 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ 26,98 triệu lượt đối tượng (gồm377.225 lượt đơn vị sử dụng lao động, 26,6 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác). Giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 9,41 triệu lao động thuộc đối tượng đang tham gia BHTN và trên 654.600 người đã dừng tham gia (bằng 87,43% số đề nghị hưởng) với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 23.965 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/NQ-CP. 

Trên 12,99 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù tại 56/63 tỉnh, thành phố đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 16,69 nghìn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết… Đến nay, các tỉnh, thành phố đã triển khai thu dung 1.500 người vào tạm thời ở các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội như: Thành phố Hồ Chí Minh thu dung hơn 1.039 người,  thành phố Hà Nội thu dung 133 người;  tỉnh Khánh Hòa thu dung 80 người;  tỉnh Đồng Nai thu dung 40 người (ở thành phố Biên Hòa) …

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn giãn cách xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đã triển khai mô hình “túi an sinh xã hội” để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân trong phòng, chống dịch, chỉ tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp phát hơn 1,8 triệu túi an sinh xã hội, Thành đoàn Cần Thơ đã trao tặng gần 19.000 túi an sinh cho người dân và thanh thiếu nhi gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 với tổng kinh phí gần 5,2 tỷ đồng; thành phố Hà Nội hỗ trợ cho 900.000 lượt người, hộ gia đình với tổng kinh phí đến thời điểm này là gần 272 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 67.000 hộ gia đình mỗi hộ 1 túi an sinh xã hội trị giá lên tới 1,8 triệu đồng…

Cùng với tổ chức thực hiện đầy đủ chính sách theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, các địa phương cũng đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân cho công tác hỗ trợ khẩn cấp người dân khi có thiên tai, hỏa hoạn và dịch bệnh trên diện rộng. Các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào đã có đóng góp lớn bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị nhiều chục nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Xuất hiện nhiều tấm gương từ cộng đồng với cách làm sáng tạo, "tương thân, tương ái" với những nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa yêu thương, "lay động lòng người", thể hiện sâu đậm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Xây dựng kịp thời các phương án hỗ trợ

Tuy nhiên về thực trạng an sinh xã hội, việc thực thi các chính sách an sinh xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và niềm tin của nhân dân.. Nhìn chung, mức hỗ trợ còn thấp. Một số chính sách có tỷ lệ đạt thấp, như chính sách đối với đối tượng là người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, chính sách cho người sử dụng lao động vay tiền để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất đạt thấp so với dự tính ban đầu. Việc triển khai thực hiện công tác xác lập hồ sơ, công tác hỗ trợ tại một số địa phương vẫn còn chậm. Một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí, sợ sai, sợ trách nhiệm nên chậm hoặc chưa hỗ trợ đối tượng; cá biệt có nơi vẫn còn tình trạng lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi, bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Nhiều lao động buộc phải nghỉ việc hoặc phải thỏa thuận ngừng việc, giãn việc… nhưng không được hưởng chế độ kịp thời do các quy định hành chính không thể thực hiện khi bị phong tỏa, cách ly. Nhiều lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp vẫn nợ đóng bảo hiểm xã hội nên không được coi là đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 7/1/2021 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021. Nhiều lao động phi chính thức đã hoàn toàn mất sinh kế khi các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 nhưng họ không là đối tượng trong các quy định hỗ trợ hiện nay. Đặc biệt, một số địa phương còn thiếu sự vào cuộc của hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế …


Sử dụng bảo hiểm thất nghiệp như một công cụ “giá đỡ” hỗ trợ phát triển thị trường
lao động. Ảnh: PT/dangcongsan.vn


Từ thực trạng trên, Cục trưởng Vũ Trọng Bình kiến nghị các chính sách nhằm tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng và đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể: Tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về chính sách trợ giúp xã hội quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân nghèo; Nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và quản lý vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn thiên tai, dịch bệnh; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại các địa phương.

Tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất đối với doanh nghiệp, để phục hồi việc làm cho người lao động (chính sách hỗ trợ tài khóa, tín dụng,..). Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội trong một bộ phận cấu thành của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong các chính sách đó đặc biệt quan tâm đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn và các chính sách an sinh xã hội, vấn đề nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân, người lao động; Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất thông qua những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp. Thu thập thông tin để điều tiết, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động.

Cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương; Miễn hoặc giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo tay nghề hoặc đào tạo lại cho người lao động, chính sách ưu đãi về tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, chính sách hỗ trợ nhà ở, điện nước, giữ trẻ và phương tiện đi lại bảo đảm an toàn phòng dịch; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ và ban hành các chính sách phù hợp khác.

Đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng/ hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn. Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất. Các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

Bài học qua đại dịch COVID -19 cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. Do đó, phải tiếp tục các giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và tạo cơ hội công bằng cho toàn dân. Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ nhà ở và đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thi và người có thu nhập thấp, nhằm ổn định đời sống, yên tâm cho người lao động, từ đó thu hút lao động đến làm việc.

“Kinh nghiệm các quốc gia có thị trường lao động ổn định và phát triển cho thấy cần phải chú trọng vấn đề đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào lại cho người lao động; sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp như một công cụ “giá đỡ” hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Chúng ta phải thật sự có các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đầu tư cho lĩnh vực này” – Đồng chí Vũ Trọng Bình nhấn mạnh./.

 

 

PV