Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lai Châu cho biết: Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã phát huy tốt hiệu quả, tạo “cú hích” quan trọng, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Để  thực hiện tốt việc giải ngân vốn vay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, UBND cấp xã trong thực hiện rà soát đối tượng thụ hưởng, bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, mức vay phù hợp với phương án sử dụng vốn vay. Trước khi họp bình xét, các hội cũng phối hợp trưởng thôn, ban quản lý tổ xác định thông tin về người vay, thành viên trong gia đình, đánh giá phương án sử dụng vốn vay; đối với khoản vay lớn, kiểm tra tư liệu sản xuất, khả năng thực hiện phương án; chỉ đạo ban quản lý tổ thông báo cụ thể nội dung bình xét cho vay, thời gian, địa điểm tổ chức họp, đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ thành phần theo quy định.
Ngoài ra, Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý nợ trong toàn hệ thống, đảm bảo việc xử lý nợ đúng đối tượng, công bằng, khách quan.
Đến 30/11/2023, tổng dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt hơn 800 tỷ đồng. riêng trong năm 2023 đã thực hiện giải ngân cho 4.544 khách hàng với số tiền hơn 363 tỷ đồng, ông Hà cho biết thêm.


Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lai Châu


Được tiếp cận với Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, chị Nùng Thị Phúng, dân tộc Dáy ở tổ 9, phường Quyết Thắng, TP. Lai Châu đã phát huy hiệu quả đồng vốn, tăng thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho cả gia đình. Chị chia sẻ: Gia đình được vay 50 triệu đồng để nuôi lợn sinh sản, ban đầu có vốn chị mua 4 con lợn nái nhờ chăm sóc tốt nên đến nay đàn lợn của gia đình chị đã sinh sản được gần 30 con, mỗi năm chị xuất bán được một lứa, mỗi lứa lợn chị bán được được từ 60-70 triệu đồng.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Nùng Thị Phúng



Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, nhiều cá nhân đã thay đổi quy mô trang trại. Gia đình anh Bùi Văn Tiếp, bản Nậm Lỏong 1, phường Quyết Thắng cũng được vay 50 triệu đồng, lúc đầu cũng chỉ mua được một con ngựa, nhưng đến nay đàn ngựa của gia đình anh đã phát triển đàn lên đến gần 20 con, ngoài ra để khai thác triệt để diện tích đất của trang trại, anh đã trồng thêm nhiều loại cây ăn quả. Anh Tiếp cho hay, tổng thu nhập hàng năm từ trang trại khoảng hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông có lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó vườn cây ăn quả cũng giúp gia đình ổn định đời sống. Từ nguồn thu nhập trang trại và các nguồn chính đáng khác, gia đình anh Tiếp đã trở thành hộ khá giả ở bản Nậm Lỏong 1.


Cán bộ NHCSXH tỉnh Lai Châu đi thăm và kiểm tra mô hình của gia đình anh Bùi Văn Tiếp


Theo ông Lý Đức Trung, Chủ tịch Hội CCB phường Quyết Thắng, quản lý một tổ vay vốn của tổ 9, trên địa bàn Thành phố Lai Châu có phường Quyết Thắng là địa bàn sinh sống của nhiều người DTTS, người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trước đây đời sống của người dân khó khăn quanh năm vì thiếu vốn phát triển. Nhờ chính sách cho vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm của NHCSXH, lãnh đạo Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc phổ biến kiến thức, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi phù hợp được địa phương chú trọng nên các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng của người dân đạt giá trị cao. Nhiều hộ dân từng bước vươn lên thoát nghèo.


CTV