Từ năm 2018, chị Vàng Thị Bầu, dân tộc Mông, thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái mở xưởng dệt thổ cẩm. Trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, xưởng dệt của chị hoạt động cơ bản ổn định, tạo việc làm và thu nhập tốt cho hàng chục công nhân may. Tuy nhiên sau dịch, chị Bầu phải giảm bớt số công nhân vì nguồn vốn bị đứt quãng, không còn vốn đầu tư nguyên liệu đầu vào cho xưởng may.
Đầu năm 2022, chị Bầu được Tổ chức Hội phụ nữ thôn giới thiệu để vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm của Phòng NHCSXH huyện Trấn Yên, giúp chị có thêm nguồn vốn để đầu tư máy dệt hiện đại, khôi phục lại các xưởng dệt. Đến nay, mỗi tháng xưởng dệt của chị Bầu xuất xưởng hàng nghìn sản phẩm là quần áo thổ cẩm. Bên cạnh tạo việc làm cho 4 công nhân tại xưởng, chị Bầu cũng xây dựng một số tổ hợp may, giúp phụ nữ nhận máy và nguyên liệu để làm ngoài giờ lao động chính, từ đó nhiều chị em tại địa phương có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.


Nhờ nguồn vốn của NHCS nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất


Còn đối với gia đình anh Lưu Văn Luận ở thôn Phúc Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên là một hộ nông dân nghèo chính hiệu. Tâm sự với chúng tôi, anh Luận bảo, vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn, để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học, vợ chồng anh đã tìm mọi cách để xoay xở.
Năm 2021, gia đình anh quyết định chuyển đổi 2 ha đất nông nghiệp trồng cây để làm trang trại và cải tạo hồ nuôi cá giống. Ban đầu, do không có nhiều vốn, anh Luận chỉ thả một hồ cá và nuôi mấy con gà thịt. Sau đó, nhờ các kênh thông tin, anh biết được có nguồn vốn vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên. Sau khi bàn bạc với vợ con, ông quyết định vay 100 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư mở rộng hồ nuôi cá.
Nhờ cách tính toán hợp lý cùng sự chăm chỉ của cả vợ chồng và các con, trang trại của gia đình anh Luận từng bước phát triển vững chắc. Từ khởi đầu với vài trăm con các giống, giờ đây trang trại của gia đình anh Luận đã có thêm 5 hồ cá khác nhau, từ hồ nuôi cá giống đến hồ cá thương phẩm cùng đàn gà lên đến hàng trăm con.
Anh Luận cho biết, tổng thu nhập hàng năm từ trang trại khoảng hơn 500 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh có lãi ròng hơn 200 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập trang trại và các nguồn chính đáng khác, gia đình anh Luận đã trở thành hộ khá giả ở thôn Phúc Đình. Cũng nhờ thế, vợ chồng anh đã nuôi con cái ăn học đàng hoàng. 

Anh Lưu Văn Luận phấn khởi giới thiệu mô hình nuôi cá của gia đình



Ông Đỗ Long Thảo, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái cho biết: Qua 8 năm triển khai đã thực hiện cho vay được 16.800 lượt hộ với số tiền trên 1.100 tỷ đồng, tạo 28.750 việc làm mới cho người lao động, hỗ trợ 1.950 lao động đi XKLĐ ở nước ngoài.
Riêng 2 năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, và đặc biệt gần đây nhất là Nghị quyết 181, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã được giao bổ sung nguồn vốn thực hiện chương trình là 447 tỷ đồng, vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương là 78 tỷ đông, cùng với nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng, trong hai năm 2022 - 2023 đã cho vay được 8.536 người lao động với số tiền 587 tỷ đồng. Dư nợ ước đến 31/12/2023 đạt 714 tỷ đồng với 11.083 người lao động còn dư nợ. Từ ngày 1/1/2023 đến nay đã giải ngân 330 tỷ đồng, với 2.650 lao động được vay vốn.

Ông Đỗ Long Thảo, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái



Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các bộ phận trong mô hình quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi thời gian qua đã khẳng định: Sự vào cuộc đồng bộ đã đưa vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định, nâng cao công tác quản lý và chất lượng đầu tư, phát huy được chủ trương xã hội hóa các hoạt động tín dụng của NHCSXH. Nhờ đó, đến nay, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh Yên Bái luôn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích.


CTV