Theo các hội, đoàn thể, trong hơn 10 chương trình cho vay tín dụng chính sách, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (gọi tắt là chương trình cho vay giải quyết việc làm) luôn đồng hành cùng các hộ dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động. Qua đó, góp phần hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu giải quyết việc làm toàn thành phố.

Trên 30 nghìn lao động được giải quyết việc làm từ nguồn vốn vay 


Thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11, năm 2022-2023, Chi nhánh được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phân bổ 490 tỉ đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm; trong đó, năm 2023 là 300 tỉ đồng. Chi nhánh đã tham mưu Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố phân bổ đến các quận, huyện để giải ngân kịp thời cho người lao động có nhu cầu tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Để triển khai hiệu quả nguồn vốn này Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện phối hợp UBND, hội, đoàn thể các xã, phường, thị trấn, tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay đúng đối tượng theo quy định và kiểm tra, nhắc nhở hộ dân sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đến nay, toàn thành phố đã giải ngân 125,5 tỉ đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm, với 2.460 hộ vay mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn chương trình này, Chi nhánh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao trước 31-12, góp phần giải quyết việc làm cho 50.500 lao động theo kế hoạch năm 2023 của thành phố..

Chị Huỳnh Thị Thúy, ở ấp C2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, có gần 20 năm nuôi heo thịt, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ được vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, chị đã chủ động được chi phí thức ăn nuôi heo. Mỗi năm, chị Thúy bán 2 đợt heo, mỗi đợt từ 10-15 con, trừ chi phí, lợi nhuận từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/con, tùy thời giá thị trường.

Gần 3 năm nay, anh Phan Bá Phúc, ở ấp Trường Bình, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm để thêm vốn đầu tư trồng 7 công na Thái. Với nguồn vốn lãi suất thấp, anh Phúc mua cây giống, phân thuốc, chăm bón vườn phát triển tốt. Ðến nay, anh Phúc đã bán 5 đợt trái, bình quân 2 tấn/đợt, giá dao động từ 40.000-55.000 đồng/kg.  

Được vay 70 triệu đồng đợt này, chị Trần Thị Kiều Loan, khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, hoạch định mua phân bón, nâng cấp hệ thống nước tưới 3 công vườn, với gần 300 cây mít Thái trồng khoảng 5 năm nay, đang cho thu hoạch. Hằng tuần, chị Loan bán từ 700-800kg trái, thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng. Thời gian trước, chị Loan trồng 3 công nhãn da bò, hằng năm cho huê lợi đều đặn. Vài năm sau, nắm bắt xu hướng thị trường tiêu dùng, chị Loan chuyển đổi sang trồng mít Thái. Nguồn vốn chương trình cho vay GQVL thuận lợi để chị Loan đầu tư chăm bón, nâng cao năng suất mít Thái, tăng thu nhập.

Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Tp. Cần Thơ cho biết: Các năm qua, ngân sách thành phố và các quận, huyện đã chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội trên 513 tỉ đồng, với mục tiêu tập trung cho các hộ vay sản xuất, mua bán nhỏ; các cơ sở sản xuất, kinh doanh vay mở rộng dịch vụ, tạo việc làm cho nhiều người lao động, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố. Các địa phương phối hợp, lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn hộ vay về phương thức sản xuất phù hợp xu thế thị trường tiêu thụ.

Nguồn vốn chương trình cho vay GQVL hỗ trợ hộ dân ở phường Tân Phú, quận Cái Răng
mở rộng mô hình trồng mít Thái, tăng thu nhập

Có thể thấy, chính sách tín dụng ưu đãi về giải quyết việc làm là một trong những chương trình mang tính thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh trên địa bàn thành phố. Ngân hàng chính sách Tp. Cần Thơ luôn chủ động phối hợp với các xã, phường, các đoàn thể nhận ủy thác tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về những quy định mới để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay. Đồng thời, hàng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các địa phương, phòng giao dịch thực hiện linh hoạt các giải pháp cân đối vốn tín dụng từ cấp trên giao, đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn đến các đối tượng có đủ nhu cầu vay.


Nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã trở thành điểm tựa giúp người lao động khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Do đó, Ngân hàng Chính sách tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền để đối tượng vay vốn sử dụng đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách thành phố, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tăng qua các năm, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn rất đa dạng của người lao động và ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm./.

CTV