Ngay sau khi nhận được nguồn vốn, NHCSXH tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo NHCSXH các huyện xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả; Chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay giải quyết việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể; qua đó nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng NTM và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Từ đầu năm đến cuối tháng 9/2023 NHCSXH tỉnh Bắc Ninh đã cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt doanh số là 372 tỷ với 6977 khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn cho vay chủ yếu là đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ khu vực đô thị có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và thu hút nhiều lao động từ cộng đồng.

Từ nguồn vốn vay anh Bình đã không phải đi thê đất làm xưởng


Được tiếp cận với nguồn vốn vay GQVL, anh Đỗ Huy Bình, chủ một xưởng sửa chữa ô tô ở thôn Lạc Xá, phường Quế Tân, Thị xã Quế Võ đã phát huy hiệu quả đồng vốn, tăng thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho 3 lao động ở địa phương, mỗi lao động được trả lương từ 10-12 triệu đồng/tháng. Anh Đỗ Huy Bình cho biết, do thiếu vốn, nên trước đây anh phải đi thuê đất làm xưởng. May mắn, tháng đầu năm 2021, anh được vay 100 triệu đồng từ gói vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Từ nguồn vốn này, anh vay thêm bạn bè và gia đình nên anh đã mua được một mảnh đất để mở xưởng. Do không phải trả tiền thuê mặt bằng nên thu nhập của gia đình cũng tăng gấp nhiều lần so với trước đây.

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Gia đình bà Vũ Thị Phương, ở cũng ở thôn Lạc Xá là một điển hình. Gia đình bà có ba người con học đại học, nhờ được vay 60 triệu từ nguồn vốn cho vay HSSV cho hai người con nên bà đã đỡ vất vả, sau đó bà lại được vay hêm 100 triệu từ nguồn vốn GQVL nên gia đình bà mạnh dạn đầu tư mua máy xay xát gạo, tạo công việc cho một lao động. Nhờ những nguồn vốn trên gia đình bà đã có của ăn của để.

Người dân mạnh dạn đầu tư mua máy móc để phát triển kinh tế hộ gia đình


Theo ông Nguyễn Kim Triều, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh: Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước, Hàng năm, căn cứ định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với NHCSXH tỉnh trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đó là: Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền đến các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và người dân về những nội dung của chính sách, những nội dung theo NĐ số 74 sửa đổi về mức vay, thời hạn vay, hồ sơ thủ tục. Tăng cường đề xuất với tỉnh quan tâm bố trí bổ sung nguồn vốn của địa phương, chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nguồn vốn ủy thác từ địa phương, nguồn vốn của ngân hàng chính sách và huy động để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vốn tín dụng tạo việc làm cho người lao động. Chỉ đạo  ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, các cơ quan, tổ chức đoàn thể có liên quan tại địa phương trong việc quản lý quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.


CTV