Hơn 146.000 người có quyết định hưởng TCTN trong năm 2022

2,4 triệu người lao động có hợp đồng tham gia BHTN trong năm 2022 (Hình minh họa)

Sau đại dịch Covid-19 và những biến động về mặt kinh tế, nhiều doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh lâm vào tình cảnh khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Nhiều lao động bị mất việc kéo theo hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tăng cao đáng kể.

Theo thống kê, năm 2020, số người hưởng TCTN là 188.130 người, tăng 21% so với năm 2019, số người hưởng TCTN năm 2021 là 113.709 người giảm 39,6% so với năm 2020. Năm 2022, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN là hơn 150.000 người. 

Trong đó, hơn 146.000 người đã có quyết định hưởng TCTN; gần 3.000 người bị huỷ quyết định hưởng TCTN. Tổng số tiền phải chi trả cho TCTN, hỗ trợ học nghề trong năm 2022 ở TP.HCM là hơn 4.726 tỉ đồng.

Thống kê cho thấy, người lao động (NLĐ) nộp hồ sơ hưởng TCTN nhiều nhất là nữ dưới 35 tuổi, khoảng 30,5%, trên 35 tuổi chiếm 26,2%; lao động nam dưới 35 tuổi 20,6% và nam trên 35 tuổi chiếm 22,6%.

Số lượng người không có bằng cấp chứng chỉ nộp hồ sơ hưởng TCTN chiếm tỷ lệ 56,6%; đại học và trên đại học chiếm 31,1%; cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp chiếm 5,6%; trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp chiếm 4,6%; người lao động có chứng nhận, chứng chỉ sơ cấp chiếm 1,9%. NLĐ xin hưởng TCTN 3 tháng chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 40,2%, từ 4 -7 tháng chiếm gần 29% và từ 8 - 12 tháng chiếm 30,8%.

Nhằm hỗ trợ kịp thời cho NLĐ đang gặp khó khăn do mất việc, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường đẩy nhanh, giải quyết kịp thời các thủ tục, phối hợp cùng các ban, ngành chức năng liên quan để hoàn tất hồ sơ đủ điều kiện, tiến hành chi trả nhanh các khoản BHTN cho NLĐ, giúp họ trang trải cuộc sống.

Theo đó, BHXH TP.HCM  đã phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm trao đổi thông tin về đối tượng hưởng BHTN như: kiểm tra đối chiếu về điều kiện hưởng, mức hưởng TCTN để phát hiện những trường hợp tính sai mức hưởng, các trường hợp không đủ điều kiện hưởng, đang hưởng TCTN mà có việc làm mới nhưng không thông báo.

2,4 triệu người lao động có hợp đồng tham gia BHTN trong năm 2022

Hơn 146.000 người có quyết định hưởng TCTN trong năm 2022 (Hình minh họa)

Sở LĐ-TB&XH TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2022, số doanh nghiệp, tổ chức tham gia BHTN tại TP.HCM là gần 104.000 đơn vị. Trong đó, hơn 2,4 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc tham gia BHTN.

Trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn như hiện nay, trước thực tế hàng nghìn lao động rơi vào cảnh mất việc, BHTN chính là “điểm tựa” giúp NLĐ có thêm khoản chi phí để trang trải cuộc sống, tiếp tục tìm kiếm các công việc khác.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hiện giải quyết BHTN, BHXH TP.Hồ Chí Minh  phối hợp với Liên đoàn lao động và các cơ quan khác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật, cập nhật các quy định mới liên quan đến BHTN để NLĐ được biết và thực hiện tốt.

Song song với công tác giải quyết, chi trả BHTN kịp thời cho NLĐ, BHXH TP.Hồ Chí Minh cũng thực hiện đồng thời nhiều giải pháp khác nhau nhằm hỗ trợ người lao động.

Đối với những lao động có tham gia BHTN, trong thời gian mất việc, ngoài khoản TCTN được hưởng theo quy định, người lao động còn được hỗ trợ học nghề miễn phí, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế,…

Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, hỗ trợ, phối hợp cùng nhiều đơn vị khác để quan tâm kịp thời, tạo điều kiện cho các đối tượng hưởng BHTN sớm vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Có thể khẳng định, nhờ chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cũng như sự quan tâm, giải quyết nhanh, gọn và có hiệu quả của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP. Hồ Chí Minh đã giúp người lao động (NLĐ) vượt qua khó khăn trước mắt, sớm quay lại thị trường lao động…

Từ khi ra đời, chính sách BHTN đã luôn phát huy vai trò cấp thiết trong việc giúp người lao động giải tỏa áp lực, ổn định cuộc sống, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây cũng là chính sách nhân văn khi không những giúp NLĐ mất việc vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí, nâng cao trình độ kỹ năng nghề…, tạo điều kiện để NLĐ sớm trở lại thị trường lao động.



PV