Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước ở trẻ em chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện nay, trong tai nạn thương tích trẻ em phổ biến nhất vẫn là do tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Mỗi một năm thì có khoảng hơn 1.800 vụ tử vong do tai nạn đuối nước, cũng tương tự như vậy là các vụ trẻ em bị tử vong do tai nạn giao thông, nhưng với nỗ lực và các biện pháp can thiệp tích cực trong thời gian qua, có thể nói chúng ta đã từng bước kéo giảm tình trạng tai nạn đuối nước cũng như tai nạn giao thông ở trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa bởi vì tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích nói chung và đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ suất cao và yêu cầu là phải giảm mạnh nhiều hơn nữa.


Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em


Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em, trong đó đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất. Hiện mỗi năm Việt Nam giảm được khoảng 3 - 5% số vụ trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích, tương đương khoảng 100 trường hợp trẻ em được cứu sống.

Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn năm 2021 - 2030 đặt chỉ tiêu giảm 20% số ca tử vong do đuối nước ở trẻ em vào năm 2030 so với năm 2021.

Để đạt mục tiêu này, Cục Trẻ em và nhóm nghiên cứu của Đại học Y tế Công cộng dự toán tổng ngân sách cần chi đến năm 2025 phải đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có 30 tỉnh, thành phố phân bổ ngân sách địa phương hàng năm (2022, 2023, 2024) cho công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

10 tỉnh, thành phố chỉ chi ngân sách cho 1 năm đầu của chương trình (2022); thậm chí 13 tỉnh, thành không có kinh phí riêng cho công tác phòng, chống đuối nước mà lồng ghép với các công tác khác. 
 

Mỗi một năm thì có khoảng hơn 1.800 vụ tử vong trẻ em do tai nạn giao thông


Thời gian gần đây xuất hiện thêm nhiều loại tai nạn thương tích khác đối với trẻ em, như: Tai nạn liên quan đến an toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc thực phẩm trường học, trẻ em học bán trú hay mua dịch vụ và đồ ăn ở cổng trường…

Thực trạng này còn đặt ra yêu cầu phải tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát được việc cung cấp thực phẩm cho những trường tiểu học, bếp ăn bán trú cho học sinh và đặc biệt là quản lý được tình trạng dịch vụ bán đồ ăn cho học sinh tại cổng trường, khu vực có trường học.

Một vấn đề nữa cũng đang nổi lên, đó là tình trạng trẻ em là nạn nhân trong các vụ hỏa hoạn, cháy nổ. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Trước hết là làm sao để có những khu vực trường học an toàn, chung cư an toàn để bảo đảm công tác an toàn phòng, chống cháy nổ nói chung, trong đó đặc biệt là liên quan đến đối tượng trẻ em. 
 

Các em nhỏ dự chương trình trải nghiệm kỹ năng thoát hiểm trong đám

Để triển khai hiệu quả, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, công tác này phải kết hợp nhiều biện pháp để xây dựng một môi trường sống an toàn cho trẻ. Ví dụ như cần kiểm tra nhiều hơn nữa việc truyền thông giáo dục các mô hình an toàn cho trẻ em, thiết lập môi trường sống an toàn.

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành quyết định về tiêu chí ngôi nhà an toàn, phấn đấu có ít nhất 5 triệu hộ gia đình đạt ngôi nhà an toàn. Thời gian tới, Cục Trẻ em sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH để có thể cập nhật thêm những thông tin, bổ sung thêm tiêu chuẩn về ngôi nhà an toàn để phòng, chống những hình thức tai nạn có nguy cơ gia tăng trong bối cảnh hiện nay.
 


Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ

 

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: “Để bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ em cần phải cập nhật các tiêu chuẩn về trường học an toàn hay tiêu chuẩn với cộng đồng an toàn. Với việc xuất hiện nhiều loại hình tai nạn phi truyền thống, chúng ta cần phải có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng dân cư, chính quyền cấp sở tại…Xây dựng và lồng ghép các loại tiêu chí để xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ, trong đó lấy trẻ em là đối tượng trung tâm”./.