Điều đáng chú ý, những tai nạn này không chỉ xảy ra vào mùa hè nắng nóng mà còn vào nhiều thời điểm khác trong năm. Nhằm giảm thiểu tình trạng này, thực hiện Công điện số 118 ngày 19/11/2024 của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tăng cường triển khai các hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh.

Học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Tp. Việt Trì say sưa hoạt động hoạt ngoại khóa


Cùng góp sức vào công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, thời gian qua, Ngành Giáo dục và Đào tạo các cấp trong tỉnh Phú Thọ cũng triển khai nhiều hoạt động như: Đưa học bơi vào trong môn giáo dục thể chất; tổ chức các lớp tập huấn kĩ năng phòng, chống đuối nước; vận động các nguồn lực xây dựng hồ bơi ở các trường học để phục vụ công tác dạy bơi; hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; thường xuyên nhắc nhở học sinh không được tự ý đi bơi, tắm, chơi, đùa gần nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Cùng với đó, ngành tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức để phụ huynh quan tâm hơn đến việc tạo môi trường sống, học tập và vui chơi an toàn cho trẻ; để gia đình chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có đuối nước.

Hiệu trưởng trường THCS Cao Xá, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao vui mừng cho biết: Trường đã tích cực làm công tác xã hội hóa giáo dục, vận động các cựu học sinh, các doanh nghiệp trên địa bàn xã tài trợ xây dựng bể bơi cho nhà trường. Trong những năm qua, nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền và làm tốt công tác dạy kỹ năng bơi, phòng chống đối nước cho các em học sinh. Trong năm học, trường đã tổ chức dạy bơi miễn phí cho toàn thể học sinh và giáo viên trong nhà trường. Trong dịp hè, để tạo sân chơi bổ ích cho các em, chúng tôi đã phối hợp với Đoàn Thanh niên xã, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện tổ chức các lớp học bơi cho các em, trong đó tặng vé bơi miễn phí cho trẻ em thuộc hộ nghèo.

Những kỹ năng phòng chống đuối nước” đã mang lại bầu không khí sôi nổi và hào hứng
cho học sinh


Tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP. Việt Trì, tiết học ngoại khóa mang tên “Những kỹ năng phòng chống đuối nước” đã mang lại bầu không khí sôi nổi và hào hứng cho học sinh. Các em không chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết qua tranh ảnh, video minh họa trực quan mà còn tham gia thực hành các kỹ năng thiết thực.

Giáo viên đã hướng dẫn học sinh kỹ năng bơi lội an toàn, cách xử lý khi gặp tình huống đuối nước, kỹ thuật thoát hiểm, và cách cứu người gặp nạn an toàn. Thầy Phùng Trung Hào, giáo viên thể chất của trường, chia sẻ: “Nạn nhân trong các vụ đuối nước chủ yếu là học sinh, do các em thiếu kiến thức nhận biết nguy cơ và chưa được trang bị kỹ năng an toàn dưới nước và thiếu sự giám sát thường xuyên của người lớn. Qua các tiết học này, chúng tôi hy vọng giúp học sinh nhận thức rõ những nguy hiểm, từ đó biết cách tự bảo vệ mình và hỗ trợ cộng đồng. Chúng tôi mong muốn trang bị cho các em kiến thức về phòng chống đuối nước, giúp nhận biết về những nguy cơ mất an toàn khi vui chơi tại các bãi bồi, bãi nổi, sông, suối, hồ đập và các kỹ năng bơi lội an toàn, thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp”.

Học sinh Trần Xuân Lâm, lớp 3A1, hào hứng chia sẻ: “Tiết học rất bổ ích. Chúng em học được cách giữ bình tĩnh khi gặp sự cố, tránh vui chơi ở nơi nguy hiểm và không tự ý cứu người bị nạn mà phải nhờ người lớn hỗ trợ. Những bài học này không chỉ giúp các em nắm bắt kiến thức cơ bản mà còn xây dựng ý thức tự bảo vệ và giúp đỡ người khác một cách an toàn. Thông qua tiết học, em và các bạn đã nắm được những kiến thức cơ bản như không vui chơi ở những nơi không an toàn, dễ xảy ra tai nạn đuối nước, cách giữ bình tĩnh khi gặp sự cố, thực hiện một số động tác cơ bản thoát hiểm khi gặp đuối nước và đặc biệt không tự ý cứu người bị nạn mà phải kêu gọi sự hỗ trợ từ người lớn để bảo vệ bản thân và giúp đỡ người gặp nạn một cách an toàn”.

Học sinh sôi nổi tham gia ngoại khóa về phòng, chống đuối nước

 

Việc tăng cường các tiết học kỹ năng sống phòng chống đuối nước của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu nguy cơ đuối nước và nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Đây không chỉ là bài học rèn luyện kỹ năng cho học sinh trong nhà trường, mà còn là hành trang giúp các em bảo vệ chính mình và lan tỏa ý thức giữ an toàn trong cộng đồng.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường hướng dẫn, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để các em biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Đồng thời phối hợp giữa nhà trường với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và phụ huynh quản lý học sinh không để các vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Nhận thấy được lợi ích từ việc cho trẻ học bơi, các bậc phụ huynh đã có ý thức hơn trong việc cho con học bơi. Nhiều lớp dạy bơi ở khắp các huyện, thành, thị được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu học bơi của các em nhỏ, từ các bể bơi ở Trường Cao đẳng Y dược Phú Thọ, Công ty CP cấp nước Phú Thọ, bể bơi Happy Land... (thành phố Việt Trì), đến các lớp học bơi tại các bể lắp ghép ở các huyện, thị xã đã đáp ứng phần nào nhu cầu học bơi, trang bị những kiến thức phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Lực lượng chức năng hướng dẫn các em học sinh kỹ năng cứu nạn

 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn, huyện Tân Sơn, cho hay: Trường nằm trong khu vực có nhiều sông suối, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi những cơn lũ bất ngờ từ đầu nguồn. Vì vậy, việc tuyên truyền và giáo dục phòng, chống đuối nước là nhiệm vụ không thể thiếu. Nhà trường đã cụ thể hóa các nội dung này bằng những hành động thiết thực. Bên cạnh các bài học và hoạt động tuyên truyền, nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh không được qua suối hay đập tràn khi có lũ.

Đồng thời,  xây dựng phong trào tự quản trong học sinh, khuyến khích các em giám sát lẫn nhau. Nếu phát hiện bạn nào tự ý tắm suối mà không có người lớn hỗ trợ, các em sẽ báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm hoặc Ban Giám hiệu để kịp thời nhắc nhở. Trong những ngày lũ lớn, giáo viên còn chủ động đón các học sinh nhà xa về nhà mình đợi lũ rút hoặc chờ bố mẹ đến đón. Nhờ những biện pháp thiết thực này, nhà trường chưa từng xảy ra trường hợp tai nạn thương tích nào liên quan đến đuối nước.”.

PV