Tai nạn đuối nước (TNĐN) trẻ em là một vấn đề xã hội và trở thành nỗi ám ảnh cho các bậc phụ huynh học sinh (HS) hiện nay. Trong các quyền của trẻ em, quan trọng nhất là quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng được bảo đảm tốt nhất để sống và phát triển. Tuy nhiên, quyền được sống của trẻ em ở Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là nguy cơ đuối nước. Kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy, tỉ lệ trẻ em ở Việt Nam bị chết do TNĐN khá cao, chỉ đứng sau tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông. Tai nạn dẫn đến tử vong vì đuối nước của trẻ em ở Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và gấp 10 lần so với các nước phát triển.
TNĐN trẻ em để lại những đau thương, mất mát cho gia đình và xã hội. Do đó, việc thiết lập hành lang pháp lí và những giải pháp phù hợp cho vấn đề TNĐN ở trẻ em là cấp bách. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức xã hội đã nỗ lực và có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước cho trẻ em.
Bất an vì tai nạn đuối nước gia tăng
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhiều biện pháp tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng, nhưng câu chuyện đuối nước luôn “nóng” dù chưa đến hè. Hầu như ngày nào cũng thấy có thông tin trẻ em đuối nước trên các báo, đài.
Một số tỉnh, thành phố xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em thời gian gần đây là: Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk, Gia Lai…Cụ thể, chiều 18-11, tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, khiến 5 cháu nhỏ bị thiệt mạng.
Lực lượng chức năng tìm kiếm em học sinh bị đuối nước ở khu vực sông Hiếu
(thuộc phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) vào ngày 5/4.
Tại tỉnh Nghệ An, thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước rất thương tâm, đặc biệt là đuối nước trẻ em. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra hơn 10 vụ, gây tử vong đối với nhiều trẻ em.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn đuối nước trẻ em, gây tử vong đối với 15 trẻ em (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2023).
Tại Bạc Liêu, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn đã có 7 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang cho biết, đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4 trẻ em bị đuối nước.
Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Tiền Giang cũng ghi nhận 2 vụ đuối nước, làm 3 trẻ em tử vong,…
Hiện trường vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh bị tử vong
tại khu vực đập tràn, trên sông Mậu Khê (huyện Thiệu Hóa).
Thống kê tình hình trẻ em đuối nước tại một số địa phương để thấy rằng, đó thực sự là những con số đáng báo động, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến tất cả chúng ta với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Trẻ có thể bị đuối nước ở bất cứ đâu, tại nhà, tại trường học, khi theo bố mẹ đi nghỉ mát, trên đường đi học về, khi đi chơi với bạn... Nhưng phổ biến nhất là trẻ rủ nhau tắm, khi một trẻ bị đuối nước, các em còn lại tìm cách cứu hoặc bám giữ nhau dẫn đến nhiều trẻ tử vong cùng một lúc.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ, để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ... Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình…
Làm gì để không còn những cái chết thương tâm?
Làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi,
các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.
Đuối nước không còn là nỗi lo của riêng gia đình, địa phương nào và phòng tránh đuối nước trẻ em rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Muốn phòng tránh và giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với việc học bơi, trẻ cần được học kỹ năng an toàn. Đó là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Dạy trẻ em kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh. Khi trẻ có kỹ năng sống và kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo đuối nước trẻ em vơi bớt đi phần nào.
Hơn thế nữa, cần trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước: cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp, thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.
Để phòng chống đuối nước với trẻ em thì sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên từ phía gia đình là quan trọng nhất. Người lớn, các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các em không được đến gần sông, hồ, không xuống nước nếu không có người lớn đi cùng.
Bên cạnh đó, vai trò chính quyền vô cùng quan trọng trong quá trình giám sát, đảm bảo an toàn, phòng tránh đuối nước cho trẻ. Các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi. Tổ chức làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.
Các trường học cũng cần phải đưa nội dung về phòng,
chống đuối nước vào nhắc nhở thường xuyên
Các trường học cũng cần phải đưa nội dung về phòng, chống đuối nước vào nhắc nhở thường xuyên trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp. Kỹ năng phòng tránh đuối nước nên trở thành một môn học bắt buộc ở trường. Nếu trường có bể bơi, cần tổ chức dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh trong điều kiện cho phép.