Hầu hết trẻ em không được trang bị áo phao khi tắm
Tai nạn thương tích thường xảy ra ở trẻ em và lứa tuổi thanh, thiếu niên do các em tuổi còn nhỏ, hiếu động, tò mò, nghịch ngợm cũng như chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng phòng, tránh. Tai nạn thương tích thực tế luôn là những sự việc bất ngờ xảy ra, tùy từng độ tuổi, môi trường sống mà trẻ có nguy cơ gặp tai nạn khác nhau. Từ thực tế cho thấy, các bệnh viện, trung tâm y tế thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ em nhập viện do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông… với các mức độ khác nhau. Với những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường gặp các tai nạn như bỏng, hóc dị vật, tự ngã, chẹt tay chân vào cửa, cầu thang... Đối với trẻ từ 6 - 15 tuổi thường gặp các tai nạn về giao thông, điện giật, ngã gãy tay, chân... Trường hợp tổn thương nặng có nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần ở trẻ.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tai nạn thương tích trẻ em phổ biến nhất vẫn là do tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Bằng nhiều biện pháp can thiệp tích cực trong thời gian qua, có thể nói, từng bước giảm tình trạng tai nạn đuối nước cũng như tai nạn giao thông ở trẻ em. Lý do là nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích nói chung và đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ suất cao và yêu cầu là phải giảm mạnh nhiều hơn nữa.
Thời gian gần đây, xuất hiện thêm nhiều loại tai nạn thương tích khác đối với trẻ em. Cụ thể như: tai nạn liên quan đến an toàn thực phẩm, các vụ việc ngộ độc thực phẩm ở các trường học, trẻ em học bán trú hay mua dịch vụ và đồ ăn ở ngoài cổng trường…
Các vụ việc ngộ độc thực phẩm ở các trường học, trẻ em học bán trú
hay mua dịch vụ và đồ ăn ở ngoài cổng trường…
Một vấn đề nữa cũng đang nổi lên, đó là tình trạng trẻ em là nạn nhân trong các vụ hỏa hoạn, cháy nổ. Đây là vấn đề cũng cần đặc biệt quan tâm. Trước hết là làm sao để có những khu vực trường học an toàn, những chung cư an toàn để bảo đảm cho công tác an toàn phòng, chống cháy nổ nói chung, trong đó đặc biệt là liên quan đến đối tượng trẻ em.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao trách nhiệm và đảm bảo an toàn cho trẻ, theo đó, nhiều mô hình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ được triển khai. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em được tăng cường thực hiện thông qua tài liệu, băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính, trường học, khu dân cư và các nền tảng mạng xã hội. Hoạt động ngoại khóa giáo dục về kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân cho trẻ em, thanh, thiếu niên, học sinh như: kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ… được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm, thường xuyên triển khai tuyên truyền, nhất là vào kỳ nghỉ hè.
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục về kỹ năng sống,
tự bảo vệ bản thân cho trẻ em, thanh, thiếu niên, học sinh.
Công tác xã hội hóa phòng, chống đuối nước cho trẻ em nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, tổ chức xã hội, cá nhân với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ.
Để giảm tỷ lệ tai nạn và tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ, nhất là vào dịp nghỉ hè, trước thềm năm học mới, bên cạnh sự vào cuộc của toàn xã hội, các bậc phụ huynh cũng cần nêu cao trách nhiệm, vai trò của mình. Cha mẹ và người thân cần giám sát con em mình thường xuyên, không để trẻ chơi những trò nguy hiểm, leo trèo ở những nơi không an toàn; giáo dục trẻ không được vui chơi hay bơi lội ở sông, hồ, ao khi không có người lớn trông coi. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên tự trang bị cách sơ cấp cứu cơ bản để có thể ứng phó với những tình huống bất trắc xảy ra, dành thời gian giáo dục trẻ về các mối nguy hiểm xung quanh. Nếu trẻ gặp phải tai nạn thương tích, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lí, điều trị.
Với việc xuất hiện nhiều loại hình tai nạn phi truyền thống, cần phải có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng dân cư, của chính quyền cấp sở tại… Xây dựng và lồng ghép các loại tiêu chí để xây dựng một môi trường sống an toàn cho trẻ, trong đó lấy trẻ em là đối tượng trung tâm.
Thiết lập môi trường nước an toàn, tăng cường các biện pháp giám sát của gia đình, cộng đồng, của trường hợp đối với học sinh, đối với trẻ em; tăng cường mở các lớp dạy bơi an toàn dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em và học sinh,… Tất cả những việc này đòi hỏi phải có sự đầu tư ngân sách một cách hợp lý.
Trong thực tế, bài toán ngân sách của các địa phương, đặc biệt là những địa phương mà còn nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và chưa cân đối thu chi, đặc biệt là xây dựng, thi công các công trình nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em trên địa bàn, thì cần phải có sự cân đối và ưu tiên.
Đầu tư ngân sách cho triển khai mô hình can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em không thực sự tốn quá nhiều ngân sách. Lĩnh vực này chỉ tốn một nguồn kinh phí vừa phải. Vì vậy, rất mong là Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố hãy nhanh chóng có nghị quyết để phân bổ hợp lý nguồn lực, bao gồm nhân lực và nguồn ngân sách địa phương để nhanh chóng triển khai những mô hình can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em.
Thiết lập môi trường nước an toàn, tăng cường các biện pháp giám sát của gia đình, cộng đồng
Bằng chứng cho thấy là ở những vùng có can thiệp, có ngân sách địa phương đầu tư, hoặc có dự án đang triển khai, thì minh chứng rõ ràng là trong từ 3 đến 5 năm lại đây, số vụ tử vong do tai nạn thương tích đã giảm từ 30 đến 50%.