Sự suy giảm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng. Để làm rõ hơn những tác động to lớn của dịch COVID-19 đối với thị trường lao động - việc làm Việt Nam, phóng viên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đồng chí Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Phóng viên: Trước hết xin cảm ơn đồng chí Cục trưởng đã trả lời phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Kính thưa đồng chí Cục trưởng, đồng chí có những đánh giá như thế nào về sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với thị trường lao động - việc làm nước ta?
Đồng chí Vũ Trọng Bình: Trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid 19 đã bùng phát khắp toàn cầu; căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng; xung đột kinh tế và địa chính trị ở một số vùng, quốc gia khác, ví dụ như Triều Tiên, Hồng Kông, hay khối các nước xuất khẩu dầu mỏ, cũng diễn biến phức tạp. Những yếu tố này đã khiến các hoạt động kinh tế-xã hội toàn cầu chịu nhiều ảnh hưởng trầm trọng.
Và 6 tháng vừa qua, thị trường lao động-việc làm cũng có những diễn biến hết sức phức tạp. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II năm 2020 là 72,3%, giảm 3,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 4,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tham gia lực lượng lao động của dân cư khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn khác biệt đáng kể, cách biệt 10,7 điểm phần trăm (thành thị: 65,6%; nông thôn: 76,3%).
Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay. Sự suy giảm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như về may mặc, da giầy, túi xách; ngành thương mại điện tử, ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận. Trong 6 tháng đầu năm có tới 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người). Khu vực Dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực Công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.
Lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19, lực lượng lao động nữ giảm 4,4% so với quý I và giảm 5,4% so với Quý II/2019, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam. Đối với cả nhóm lực lượng lao động trong độ tuổi và ngoài độ tuổi, lực lượng lao động nữ luôn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lực lượng lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động tại Việt Nam.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Lao động có việc làm trong quý II năm 2020 giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động cho thấy dịch Covid-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan. Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 324,6 nghìn người); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 156,9 nghìn người); ngành giáo dục và đào tạo (giảm 122,7 nghìn người); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (giảm 120 nghìn người).
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2020 là gần 1,3 triệu người, tăng 192,8 nghìn người so với quý trước và tăng 221 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Như vậy có thể nói 6 tháng đầu năm 2020, thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn.
Phóng viên: Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, Việt Nam vẫn đang nằm trong top 5% các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, khủng hoảng bởi dịch COVID-19 có diễn biến khó lường, chúng ta cần những giải pháp nào để giảm tối đa tỷ lệ thất nghiệp? Trong đó, giải pháp ngắn hạn (trước mắt) là gì? Giải pháp dài hạn là gì?
Đồng chí Vũ Trọng Bình: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, rất nhiều lao động đã lâm vào cảnh mất việc làm. Để giảm tối đa lao động thất nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước các cấp về lĩnh vực lao động - việc làm cần phải tập trung thực hiện các giải pháp sau:
- Giải pháp trước mắt:
+ Phối hợp với các tỉnh/thành phố chủ động nắm bắt tình hình thị trường lao động trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ lao động bị thôi việc, mất việc làm.
+ Phối hợp với doanh nghiệp rà soát, sàng lọc lao động để có kế hoạch hỗ trợ tư vấn pháp lý, đào tạo lại, giải quyết việc làm.
+ Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm chủ động thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm, tăng cường tần suất tổ chức các phiên giao giao dịch việc làm để kết nối người lao động đến với doanh nghiệp.
- Giải pháp lâu dài:
+ Đánh giá, tổng kết việc thực hiện tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật việc làm (dự kiến năm 2021-2022); nghiên cứu xây dựng các Chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, trong đó có thanh niên, học sinh, sinh viên giai đoạn 2021-2025;
+ Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường; tăng cường trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề;
+ Nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động, cung cấp cơ sở cho đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề án dự báo cung - cầu lao động);
+ Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn lựa chọn ngành nghề, việc làm. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm nói chung...
PV: Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn đồng chí!