Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, ngày 11 tháng 4 năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị quyết số 120/HĐBT về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới, trong đó có quy định về việc thành lập Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (nay là Quỹ quốc gia về việc làm) để cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, người lao động. Đến nay, sau 30 năm triển khai thực hiện, chính sách tín dụng cho vay giải quyết việc làm ngày càng phát huy hiệu quả và được triển khai rộng khắp với 03 nguồn chính, gồm:
- Quỹ quốc gia về việc làm: Thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP. Quỹ được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý và cho vay.
- Nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội: được bổ sung trên cơ sở quy định của Luật Việc làm (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015) và các văn bản hướng dẫn. Hàng năm, ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội để huy động vốn để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và cho vay hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm tăng cường nguồn vốn cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm.

- Nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội: hình thành và phát triển trên cơ sở Quỹ giải quyết việc làm địa phương và nguồn vốn còn lại của Quỹ giải quyết việc làm địa phương được tiếp tục thực hiện theo hình thức ủy thác vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai hiệu quả chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cụ thể: thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022, Chính phủ dự kiến bố trí tối đa 10.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP.
Để cơ sở sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh), người lao động nắm và hiểu các thông tin cơ bản, thuận lợi trong tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi cho vay giải quyết việc làm, Cục Việc làm đã xây dựng video giới thiệu tổng quan về chính sách cho vay hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm, các nguồn vốn cũng như những thông tin cơ bản về lãi suất, mức vay, trình tự thủ tục, điều kiện vay … và những tư vấn dành cho khách hàng có nhu cầu vay vốn. 
Hy vọng video này sẽ giúp ích cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động trên cả nước được tiếp cận với nguồn vốn chính sách này.





PV