Tham dự hội thảo có các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Việc làm; Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các đồng chí đại diện các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng, các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp…

Ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức trong giải quyết việc làm bền vững cho thanh niên. Mặt khác, theo Tổ chức lao động quốc tế ILO, quá trình chuyển tiếp của thanh niên từ học tập sang tham gia thị trường lao động không chỉ dừng lại ở việc đo lường thời gian từ khi rời ghế nhà trường (bao gồm cả tốt nghiệp và bỏ học giữa chừng) cho đến khi làm công việc đầu tiên, mà còn bao gồm các yếu tố định tính như chất lượng công việc đó như thế nào, có ổn định không (thường được xác định bởi loại hình hợp đồng).

Hiện nay, với trên 13 triệu lao động là thanh niên (chiếm khoảng 24% lực lượng lao động cả nước), đây chính là tương lai của đất nước, việc phát huy hiệu quả nguồn nhân lực trẻ, tận dụng tốt cơ hội trong thời kỳ dân số vàng chính là thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Ngày 16/11/2019, tại Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh 3 nguyên tắc: giáo dục nghề nghiệp cần bám sát nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề; phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực chất lượng quốc tế và nâng cao năng lực dự báo nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, tại Diễn đàn lao động Việt Nam 2019 vừa qua, Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục khẳng định sự lựa chọn tương lai việc làm của Việt Nam thông qua cải thiện kỹ năng lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội, và hiện đại hóa các thiết chế quan hệ lao động.

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu tập trung thảo luận chuyên đề nhằm mục đích lấy ý kiến đánh giá, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn... Qua đó, sẽ góp phần thiết thực giúp Cục Việc làm và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tham mưu cho Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho thanh niên, phát huy tiềm năng, sức trẻ của thanh niên, tận dụng tốt nguồn nội lực của đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay./.

Khắc Trường