Hội thảo định hướng nghề và việc làm cho thanh niên

Trong những năm qua, công tác phân luồng học sinh sau bậc học trung học cơ sở (THCS) luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm; tuy nhiên, tỷ lệ học sinh sau THCS vào học các cấp trình độ trong vào giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến nay vẫn còn rất hạn chế. Thực tế này không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, đô thị mà đó là tình trạng chung của cả nước. Cho đến nay tỷ lệ học sinh sau THCS vào trung học phổ thông (THPT) luôn chiếm khoảng trên 85%, ở các thành phố lớn tỷ lệ này còn cao hơn, cho thấy công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 đề ra mục tiêu là học sinh sau THCS vào GDNN chiếm tỷ lệ 30% vào năm 2020, có nghĩa là đến năm 2020, quy mô học sinh tốt nghiệp THCS vào hệ thống GDNN vào khoảng 320.000 - 330.000 học sinh, đây là nhiệm vụ rất nặng nề đối với hệ thống GDNN. Theo kết quả Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 10 CT/TW, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước có khoảng 80 - 85% (nhiều nơi có hơn 90%) học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT; Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có chủ trương khuyến khích học sinh vừa học chương trình bổ túc THPT kết hợp với học nghề nhưng chỉ có khoảng 8-10% học sinh sau THCS vào học nghề.

Nguyên nhân một phần do hoạt động giáo dục hướng nghiệp (GDHN), tư vấn học tập và tư vấn nghề cho học sinh THCS cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Hoạt động GDHN, tư vấn học đường nhiều năm qua ở các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức (nếu không muốn nói là bỏ trống), thiếu tính chuyên nghiệp, đội ngũ người làm công tác này phần lớn là kiêm nhiệm trong các trường THPT còn THCS hầu như không có, nhiều cơ sở có làm nhưng chỉ làm một cách hình thức, không có chiều sâu, không có nội dung định hướng rõ ràng, phù hợp; do đó không mang lại hiệu quả. Chưa cung cấp được đầy đủ cho học sinh phổ thông những thông tin về GDNN: về các ngành, nghề xã hội đang cần nhân lực sau đào tạo nghề nghiệp, thị trường lao động và cơ hội việc làm, về sự hấp dẫn của các ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo, về chính sách đối với người học và chính sách ưu đãi trong GDNN, về cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng TTLĐ và nhu cầu nhân lực của TTLĐ .v.v... Đồng thời, cũng chưa truyền lửa để học sinh tự tin và hướng dẫn cho học sinh có đủ kiến thức để hiểu được những đặc điểm tâm sinh lý, những phẩm chất và năng lực của bản thân để lựa chọn hướng đi, nghề nghiệp tương lai cho phù hợp.

Từ thực tế về công tác phân luồng trong nhiều năm qua có thể nói rằng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề là điều khó có thể thực hiện được. Việc không đạt mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề đã phần nào làm cho cơ cấu nguồn nhân lực của nước ta ngày càng bất hợp lý, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu và hội nhập quốc tế. Có thể nói, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề trong những năm qua còn nhiều hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân chủ quan của ngành GD&ĐT, LĐTBXH và những nguyên nhân khách quan.

Để thực hiện thành công và hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho  học sinh sau THCS và THPT đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của ngành GD&ĐT và LĐ, TB&XH, mà của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn xã hội.

Trước hết đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của cộng đồng, của mọi người dân và của toàn xã hội, của chính bản thân học sinh và phụ huynh học sinh về nghề nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; kết hợp giữa các giải pháp chính sách, giải pháp can thiệp và điều tiết của nhà nước, cùng với các giải pháp trực tiếp của các cơ sở giáo dục, đào tạo và cơ sở sử dụng nhân lực sau đào tạo; sự điều tiết một cách tự nhiên của thị trường lao động và việc làm./.

Khắc Trường