Trong các chương trình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoài Đức thì vốn vay giải quyết việc làm chiếm tỉ lệ cao nhất, trên 60%. Thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Hoài Đức cho vay giải quyết việc làm 128 tỷ đồng với 2.600 người lao động. Mức vay vốn mới từ 50 - 80 triệu đồng/người lao động; mức bình quân trên toàn huyện đạt 48 - 49 triệu đồng/người lao động.
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH Hoài Đức, nhiều hộ gia đình đã trồng các loại
cây ăn quả, cải thiện đời sống gia đình.
Phát huy thế mạnh huyện ven đô, người lao động trên địa bàn huyện Hoài Đức sau khi vay tiền từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh dịch vụ tại địa phương. Cụ thể là các mô hình trồng cây chuyên canh (ổi, phật thủ, bưởi, mít, …) ở các xã Yên Sở, Đắc Sở, Di Trạch, Tiền Yên; làng nghề truyền thống chế biến nông sản ở xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế… làm tượng sơn son thếp vàng ở xã Sơn Đồng, làm bánh đa ở xã An Thượng, trồng rau sạch, chăn nuôi ở TiềnYên, Cát Quế, Đức Thượng….
Tính đến ngày 30/9/2023, dư nợ vốn vay giải quyết việc làm của huyện Hoài Đức là 372,4 tỷ đồng với 7.951 người lao động vay vốn, đạt 100% kế hoạch được giao. Người lao động sử dụng đồng vốn vay hiệu quả cho nên định kỳ trả lãi đúng hạn, trả nợ gốc đúng theo thời hạn được duyệt. Chương trình cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách huyện Hoài Đức thì hiện nay không có nợ xấu, nợ quá hạn.
Năm 2023, cùng với việc cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoài Đức còn triển khai Chương trình Giáo dục tài chính số cho khách hàng để hỗ trợ khách hàng trong quá tiếp cận với công nghệ thông tin, phương thức tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử, kỹ năng sử dụng internet… Với chương trình này, người lao động tham gia thấy thích thú và thiết thực.
Khảo sát tại thôn Yên Vĩnh, xã Kim Chung, cho thấy, những hộ được vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm rất phấn khởi, chịu khó học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để trồng các loại cây ăn quả và nuôi thả cá. Nhờ sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, sau khi vay 30 triệu đồng và hàng tháng trả lãi; đến hạn trả vốn gốc đầy đủ, năm 2022, chị Nguyễn Thị Nguyệt (xã Di Trạch) được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét vay lần 2 với số tiền 50 triệu đồng. Đến nay, bước sang năm thứ 9 phát triển mô hình trồng cây ăn quả và nuôi thả cá, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nguyệt và anh Vương Văn Minh có gần 5 mẫu vườn trồng 400 cây ổi, 200 cây táo và nhiều cây chanh, đu đủ, khế và hơn 1 mẫu ao nuôi các loại cá cũng là để trữ nước tưới cây.
Chị Nguyệt cho biết: Trước đây, vợ chồng chị bán quần áo ở chợ Nhổn, thu nhập không ổn định. Nay nhờ đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp vợ chồng anh chị có công việc ổn định, thu nhập đều đặn nên các con được ăn học đầy đủ, gia đình chi tiêu dư giả lại mua thêm cây giống. Với 50 triệu đồng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoài Đức, vợ chị đã thuê máy múc đất quây bờ cao 1,2m, dài 400m để ngăn nước mưa tràn vào ao cá, vườn cây.
Nguồn vốn ưu đãi giúp ông Nguyễn Văn Hòa mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập cho gia đình
Cũng vay vốn giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách huyện Hoài Đức, giờ đây anh Nguyễn Văn Thọ đã có 4,2 mẫu vườn trồng đủ các loại cây ổi, đu đủ, táo, hồng xiêm. Trong số 300 gốc ổi của gia đình anh thì 200 cây đang cho thu hoạch mỗi ngày gần 1 tạ. Mỗi năm công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió thì trừ chi phí chăm sóc, thuê nhân công, doanh thu cũng được 100 - 200 triệu đồng
Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, xã Cát Quế cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ để mở rộng, sản xuất, kinh doanh bún gạo khô. Với nguồn vốn được vay là 40 triệu đồng để phát triển sản xuất, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông đã có thu nhập gần 700.000 đồng/ngày, giải quyết việc làm cho 3 lao động trong nhà. “Trước khi có nguồn vốn vay, gia đình tôi chỉ chăn nuôi nhưng có rủi ro, làm bún bền vững hơn, ngày nào cũng có lãi. Ngân hàng Chính sách rất tạo điều kiện cho bà con vay vốn dễ dàng. Nếu không có nguồn vốn vay, gia đình sẽ phải xoay xở bên ngoài với lãi suất cao hơn”, ông Nguyễn Văn Hòa nói.
Theo Hội Nông dân xã Di Trạch, hiện nay, nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân xã là khoảng 4 tỷ đồng cho hơn 100 người lao động vay và Hội Phụ nữ 12 -13 tỷ đồng cho khoảng 200 - 300 người vay. Từ nguồn vốn vay cùng với số tiền các gia đình tích cóp để phát triển trồng cây, chăn nuôi bền vững hơn. Đến nay, các sản phẩm táo, ổi, đu đủ, dưa lê, hồng xiêm xã Di Trạch đã được chứng nhận VietGAP; xã cũng đã xây dựng sản phẩm OCOP cho ổi. Nhờ sản phẩm có chất lượng đảm bảo nên giá thành ổn định và thị trường tiêu thụ rộng mở...
Có thể nói, từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách huyện Hoài Đức, nhiều lao động đã có cơ hội việc làm ổn định, đảm bảo khả năng trả lãi, trả nợ và phát triển kinh tế gia đình. Điều này không những góp phần tạo việc làm ổn định cho bản thân mà còn đóng óp vào quá trình an sinh xã hội của địa phương, khu vực và huyện Hoài Đức./.