Tạo hiệu quả tốt cho kinh tế xã hội tại địa phương

Ông Trịnh Ngọc Tấn - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lai Châu cho biết, thực hiện Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc, Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố đã thực hiện triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; các văn bản, chính sách được công khai đến 106/106 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Căn cứ nguồn vốn được giao hàng năm, Chi nhánh đã chủ động tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn đến các huyện, UBND các huyện phân bổ nguồn vốn đến các xã, các xã phân bổ nguồn vốn đến các thôn bản, tổ dân phố theo quy định.

Phương thức cho vay vốn đó là cho vay trực tiếp áp dụng đối với các dự án vay vốn của các cơ sở sản xuất kinh doanh và các dự án vay vốn của hộ gia đình bằng nguồn vốn do Tổng Liên đoàn lao động, Liên minh các Hợp tác xã.

Và cho vay ủy thác áp dụng đối với các dự án vay vốn của hộ gia đình bằng nguồn vốn của UBND cấp tỉnh quản lý và 04 tổ chức Hội, đoàn thể đang nhận ủy thác với NHCSXH (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên).

Theo ông Trịnh Ngọc Tấn, chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia của các ngành, các hội đoàn thể nhận ủy thác vốn vay trong việc chủ động lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác tại địa phương (chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...).

Từ đó, các mô hình kinh tế hiệu quả được hình thành, góp phần duy trì và tạo việc làm mới, tăng thời gian lao động của lao động nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của chủ dự án. Mặt khác công tác quản lý nguồn vốn có hiệu quả, giải ngân nhanh, vốn tồn đọng thấp, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp và quay vòng vốn nhanh đã giúp tạo hiệu quả tốt cho kinh tế xã hội tại địa phương.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm 


Các dự án cho vay ưu tiên cho người lao động là dân tộc thiểu số

Được biết, tính đến ngày 30/6/2021, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm của tỉnh Lai Châu đạt 243.901 triệu đồng, trong đó  nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm (nguồn TW) là 59.699 triệu đồng; Nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua NHCSXH là 91.220 triệu đồng; Nguồn vốn NHCSXH huy động là 92.982 triệu đồng.

Cụ thể, doanh số cho vay Quỹ quốc gia về việc làm trong giai đoạn 2016-2021 là: 133.472 triệu đồng. Tổng dư nợ đến 30/6/2021 là 59.279 triệu đồng. Tổng số dự án cho vay giai đoạn này là 3.064 dự án. Trong đó, tổng số dự án của người lao động là 3.063 dự án, bao gồm dự án của người khuyết tật: 04 dự án, dự án của người dân tộc thiểu số: 2.145 dự án. Và tổng số dự án của cơ sở sản xuất kinh doanh là 01 dự án. Qua đó, số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 3.069 lao động, trong đó: lao động nữ: 1.708 người, lao động là người khuyết tật: 04 người, lao động là người dân tộc thiểu số: 2.145 người.

Ngày càng nhiều lao động tỉnh Lai Châu đã được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm 


Doanh số cho vay từ nguồn vốn do Ngân hàng chính sách địa phương ủy thác cho vay qua NHCSXH trong giai đoạn 2016-2021 là 120.813 triệu đồng. Tổng dư nợ đến 30/6/2021 là 91.175 triệu đồng. Tổng số dự án cho vay là 2.538 dự án. Trong đó, tổng số dự án của người lao động: 2.538 dự án (bao gồm dự án của người dân tộc thiểu số: 715 dự án). Qua đó, số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: 2.432 lao động, trong đó: lao động nữ: 715 người, lao động là người dân tộc thiểu số: 715 người.

Doanh số cho vay nguồn vốn huy động của NHCSXH trong giai đoạn 2016-2021 là 120.675 triệu đồng. Tổng dư nợ đến 30/6/2021 là 92.878 triệu đồng. Tổng số dự án cho vay là 2.425 dự án. Trong đó: Tổng số dự án của người lao động là 2.425 dự án (bao gồm dự án của người dân tộc thiểu số: 1.100 dự án). Qua đó, số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: 2.432 lao động, trong đó: lao động nữ: 1.450 người, lao động là người dân tộc thiểu số: 1.100 người.

Tính chung trong giai đoạn 2016-2021, tổng số dư nợ đạt 243.332 triệu đồng, đã cho vay 8.027 dự án, trong đó dự án người khuyết tật 04 (chiếm 0,04%); dự án của người dân tộc thiểu số 3.960 (chiếm 49%), góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 7.933 lao động, trong đó: lao động nữ 3.873 người chiếm 48,8%; lao động là người dân tộc thiểu số 3.960, chiếm 49,9%. Các dự án cho vay tập trung chủ yếu là giải quyết cho người lao động là dân tộc thiểu số, cho vay phục vụ kinh tế trong nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm./.

PV