Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách tỉnh Ninh Bình, ngay khi Nghị quyết số 11/NQ-CP triển khai, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chủ động báo cáo, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 144/UBND-VP5 ngày 17/02/2022 về việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ để chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với Chính sách xã hội tỉnh rà soát nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn làm cơ sở tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí vốn giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đã triển khai các chương trình cho vay ưu đãi theo
quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng


Đồng thời Ngân hàng Chính sách Ninh Bình đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 162/UBND-VP5 ngày 22/02/2022 về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Chi nhánh đã thành lập Ban chỉ đạo của chi nhánh để triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên Ban chỉ đạo. Phân công cán bộ phối hợp với các sở, ngành có liên quan; UBND cấp xã, Hội đoàn thể nhận ủy thác tiếp cận với các đối tượng thụ hưởng chính sách nắm bắt nhu cầu vay vốn, để kịp thời giải ngân ngay khi có văn bản hướng dẫn thực hiện của cấp có thẩm quyền. Chi nhánh đã tổ chức tập huấn, triển khai nghiệp vụ cho vay đối với các đối tượng được thu hưởng theo nguồn vốn hỗ trợ việc làm đến 100% cán bộ nghiệp vụ của chi nhánh. Đồng thời, tích cực tổ chức tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội nhận ủy thác các cấp để phối hợp cùng Chính sách xã hội triển khai chương trình kịp thời, có hiệu quả.

Từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã góp phần quan trọng giúp cho lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Thực hiện Nghị quyết số 181/NQ-CP về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Thực hiện Quyết định số 8959/QQĐ-NHCS ngày 06/11/2023 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội giao bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 220 tỷ đồng, thuộc chỉ tiêu cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Đến nay, tổng kế hoạch được giao dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đến nay là 535.694 triệu đồng. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đến nay 458.633 triệu đồng/6.280 khách hàng, đạt 85,6% kế hoạch tăng trưởng, trong đó: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 310.500 triệu đồng/4.823 khách hàng, hoàn thành 81,7% kế hoạch. Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã phát huy hiệu quả tích cực; giúp cho nhiều lao động tại địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập.

Điển hình hộ gia đình ông Trần Văn Quang ở xóm Phụ Cấp, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn được vay vốn 500 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết 11, ông Quang đầu tư mô hình chăn nuôi lươn không bùn với tổng diện tích 3.600m². Với doanh thu trên 700 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương. Gia đình ông Lã Phú Thuận ở xóm 1, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình vay vốn 500 triệu đồng cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 11, đầu tư kinh doanh, chăn nuôi trang trại  tổng hợp (cây khoai môn thái, cá, gà, ốc nhồi, lợn rừng) với tổng diện tích 42.000m², cho doanh thu 900 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương với mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Với quyết tâm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, năm 2021, gia đinh anh Phạm Xuân Thạo, thôn 3, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp đã mạnh dạn làm hồ sơ và được phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội thành phố tạo điều kiện cho vay 70 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Có nguồn vốn, anh bắt đầu mở rộng diện tích trồng đào phai. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên diện tích đào của gia đình anh phát triển rất tốt. Trên diện tích 15.000 m2, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó mà kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Từ nguồn vốn vay chương trình giải quyết việc làm, anh Phạm Xuân Thạo, thôn 3, xã Đông Sơn,
thành phố Tam Điệp đã trồng đào phai mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết: Thực hiện Nghị định của Chính phủ về Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, đặc biệt là Nghị quyết 11, chi nhánh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp, các Sở ngành và 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các huyện, thành phố đã tích cực, chủ động tham mưu UBND các cấp bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngay từ những ngày đầu năm.

Đến 30/9/2023, tổng nguồn vốn triển khai Nghị quyết 11 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 314 tỷ đồng. Doanh số cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 từ khi thực hiện đến nay là 315 tỷ đồng/4.944 lượt khách hàng. Dư nợ đến ngày 30/9/2023 là 301 tỷ đồng, với 4.373 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 160 tỷ đồng/2.941 khách hàng còn dư nợ. Từ nguồn vốn chính sách cho vay theo Nghị quyết 11 do chi nhánh triển khai đã hỗ trợ kịp thời cho gần 3.000 lao động có việc làm, có thu nhập ổn định, trên 350 hộ gia đình có kinh phí để xây dựng mới nhà để ở…

Trong quá trình triển khai thực hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Phòng giao dịch cấp huyện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình triển khai, thực hiện chương trình tại cơ sở, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Đặc biệt, chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã được tập trung triển khai, thực hiện. Nguồn vốn triển khai chương trình trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng cao, tăng hơn so với năm 2022. Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục tập trung triển khai gói tín dụng chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 11 để góp phần phục hồi kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh của địa phương./.

 

 

CTV