Theo ông Lưu Văn Tuyển, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nam Định cho biết: Thực hiện Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Sở Lao động –Thương binh và xã hội đã tổ chức triển khai hướng dẫn Phòng lao động thương binh và xã hội các huyện phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện bám sát nội dung các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm để hướng dẫn người dân có nhu cầu vay vốn tạo việc làm tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra giám sát việc cho vay vốn từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm đảm bảo đúng quy định. Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành công văn về việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh nội dung đẩy mạnh công tác cho vay, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi giúp người lao động có nhu cầu được vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để khởi nghiệp, mở rộng và duy trì việc làm.

Tín dụng chính sách tạo dấu ấn trong công cuộc giảm nghèo ở Nam Định.

Theo ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nam Định cho biết: Từ nguồn vốn của chương trình 59.710 lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định có việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, thay đổi cơ cầu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn.

Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nam Định trả lời phỏng vấn

Gia đình ông Triệu Đình Hợi ở thôn Vụ Nữ- xã Hợp Hưng- huyện Vụ Bản – tỉnh Nam Định chia sẻ rằng: Nhờ chủ trương, chính sách cho vay ưu đãi đến toàn thể nhân dân, đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp người lao động cũng như gia đình chúng tôi có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Ngày trước gia đình được hỗ trợ cho vay vốn để triển khai mô hình chăn nuôi gà; sau đó nhờ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tiếp cận được nguồn vốn vay quốc gia với những chính sách ưu đãi phù hợp với khả năng hoàn trả tôi mở rộng chuyển đổi qua mô hình chăn nuôi thỏ. Mới đầu mô hình gia đình chúng tôi nuôi nhỏ lẻ nhỏ mục đích để thịt, nhờ thêm nguồn vốn được vay tôi nhân rộng hiện nay trang trại đã lên đến 500 con. Và số lượng con nhiều nhưng nguồn tiêu thụ đáp ứng lớn được các thương lái mua để phục vụ cho thí nghiệm. Thị trường xuất hàng tháng đi chủ yếu của gia đình tôi hiện nay là Nhật Bản, tạo công ăn việc làm cho cả gia đình và có thêm công việc cho một số người lao động xung quanh. Tôi hy vọng trong tương lai có thêm nhiều người lao động có thể được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ quốc gia như gia đình chúng tôi.

Mô hình chăn nuôi thỏ của Gia đình ông Triệu Đình Hợi ở thôn Vụ Nữ- xã Hợp Hưng- huyện Vụ Bản – tỉnh Nam Định

Ông Trần Duy Hưng cho biết thêm: Chính sách ưu đãi cho vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao hiệu quả trong công tác giảm nghèo nhanh, bền vững. Vốn vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã kịp thời hỗ trợ nhiều đối tượng: doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động, đặc biệt là các lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động thuộc khu vực nông thôn những người lao động đi làm việc tại tỉnh ngoài trở về địa phương do tác động của dịch COVID-19, chưa có việc làm và thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng./.

Thanh Giang