Theo chân chị Nguyễn Thị Mây, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm vay vốn thôn Bái Uyên, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, chúng tôi đến thăm hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thương cùng thôn với chị Bé. Chị Thương trước đây làm ruộng ở nhà. Năm 2022, thông qua Hội Nông dân chị được địa phương xét cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ việc làm 100 triệu đồng. Với số vốn này, Chị Thương mua 2 con bò mẹ và con, nay bò nhà chị đã phát triển 5 con. “Nguồn thức ăn ở quê đã có sẵn đồng cỏ, rơm rạ nên không tốn kém gì mấy khoản chi phí thức ăn. Ngoài chăm sóc đàn bò, tôi còn mở cửa hàng xay sát và mua máy cày để cho thuê, nhờ đó cho thu nhập một năm khoảng 80 triệu nên cũng đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Đàn bò gầy dựng là của để dành của gia đình. Năm 2024 đến thời hạn trả nợ, tôi sẽ bán một phần để trả nợ ngân hàng, số bò còn lại gia đình cố gắng chăm sóc để có được nguồn thu ổn định hàng năm cho gia đình”, chị Thương chia sẻ.
Mô hình kinh tế của chị Nguyễn Thị Thương
Còn anh Nguyễn Xuân Bình ở thôn Dọc, xã Liên Bão, trước đây làm mộc ở nhà nhưng thu nhập thấp nên anh nghỉ việc. Anh được địa phương xét cho vay vốn hỗ trợ việc làm 100 triệu đồng vào năm 2022, từ ngồn vốn trên anh đã chuyển đổi sang nuôi vịt và đào ao thả cá. Anh Bình chia sẻ, trước đây gia đình thuộc hộ nghèo vì làm mộc cho thu nhập bấp bênh nên gia đình rất khó khăn. Nay được nguồn vốn chính sách tiếp thêm, gia đình có nguồn thu ổn định mỗi năm từ nuôi vịt và ao cá. Ngoài ra, gia đình còn cải tạo lại vườn cây ăn quả. Nhờ đó, gia đình anh giờ đây đã thoát nghèo.
Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hợp lý gia đình anh Bình đã thoát nghèo
Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc NHCSXH huyện Tiên Du cho biết: Nhằm hỗ trợ người dân phát huy hiệu quả đồng vốn vay, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, tổ chức hội, đoàn thể, các xã, thị trấn trong công tác giám sát, tư vấn, giúp nhân dân tiếp cận với nguồn vốn. Đó là tiền đề để người dân phát triển kinh tế, tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tế sản xuất. Từ đầu năm 2023 đến nay đã có 621 khách hàng được vay vốn, với số tiền là 42 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện.
Có thể thấy, thời gian qua NHCSXH huyện Tiên Du phát huy được vai trò là cầu nối cho các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, qua đó tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu ngay tại quê hương.
Theo bà Nguyễn Thị Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, để thực hiện mục tiêu tạo việc làm cho lao động địa phương, huyện cần tập trung huy động mọi nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ có việc làm ổn định tại địa phương và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó xác định nguồn vốn cho vay là nguồn lực quan trọng, giúp NLĐ có việc làm nhanh, kịp thời và ổn định, đặc biệt là những NLĐ gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất kinh doanh, được chính quyền địa phương tạo điều kiện bình xét vay vốn công khai tại nơi cư trú. Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm từ NHCSXH là căn bản, giữ vai trò chủ đạo. Tập trung cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng dần tỷ trọng các nguồn vốn huy động tại địa phương, cụ thể: Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách tỉnh; tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác bổ sung vào nguồn vốn NHCSXH huyện.