Tỷ lệ thất nghiệp năm 2022 giảm còn 2,25%
Năm 2022, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 50 phiên giao dịch việc làm thu hút hơn 5.000 lượt doanh nghiệp tham gia (Hình minh họa)
Nhằm tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, kết nối cung - cầu lao động, thành phố Đà Nẵng đã tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “có việc làm”; duy trì phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ 6 hằng tuần và tăng cường mở rộng các phiên giao dịch việc làm đồng thời tại 3 địa điểm trực thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm của thành phố.
Trong năm qua, toàn thành phố đã tổ chức 50 phiên giao dịch việc làm thu hút hơn 5.000 lượt doanh nghiệp tham gia, trong đó phối hợp với UBND quận Cẩm Lệ và 03 Trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng tổ chức 4 Ngày hội việc làm thu hút hơn 5.500 người lao động và học sinh, sinh viên tham gia, kết quả có hơn 200 lao động và 1.250 sinh viên được tư vấn, kết nối tạo việc làm. 
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại thôn, tổ dân phố thuộc các xã, phường của huyện Hoà Vang và quận Thanh Khê nhằm kết nối doanh nghiệp và người lao động để tư vấn và giải quyết việc làm.
Cùng với đó, thành phố cũng đã ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện việc giải ngân cho các dự án vay vốn giải quyết việc làm; đến nay, đang quản lý, điều hành hơn 2.589 tỷ đồng, trong đó cho vay hơn 1.005 tỷ đồng với 17.799 dự án, giải quyết việc làm cho 17.840 lao động, bình quân mỗi lao động được vay trên 56 triệu đồng. 
Với việc triển khai và thực hiện các chính sách một cách đồng bộ, quyết liệt, cùng với kinh tế dần phục hồi, hiện nay tỷ lệ thất nghiệp toàn thành phố đã được cải thiện đáng kể, theo kết quả điều tra, tỷ lệ thất nghiệp năm 2022 ước khoảng 2,25%, thấp hơn rất nhiều so với con số 8,06% cùng kỳ năm 2021; các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố giải quyết việc làm cho 35.000 lao động, tỷ lệ việc làm tăng thêm là 16,71%.  
Mặc dù lao động có việc làm chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn còn ở mức cao. Qua theo dõi, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp bắt đầu tăng lên, đã đem lại việc làm, bước đầu giảm bớt khó khăn cho đời sống người lao động. Đến nay số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế của thành phố đã lên đến 624.200 người (tăng 16,71% so với cùng kỳ năm 2021).
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Đà Nẵng xác định mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn cung lao động phù hợp với nhu cầu của xã hội của thành phố (Hình minh họa)
Theo đánh giá, năm 2023, vấn đề giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, đảm bảo tạo nguồn lao động thuận lợi cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp là đòi hỏi cấp bách hơn bao giờ hết đối với Đà Nẵng. 
Chính  vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần phải có cách làm mới, cách tiếp cận mới trong việc nghiên cứu để đưa ra các chính sách về giải quyết việc làm và tạo nguồn lao động để đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm ổn định phục hồi và phát triển kinh tế. 
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, trong năm 2023, thành phố Đà Nẵng đề ra một số giải pháp trọng tâm. 
Cụ thể là, nắm bắt thông tin và điều tiết cung - cầu lao động, trong đó chú trọng đến việc đưa phần mềm kết nối giải quyết việc làm vào hoạt động, trên cơ sở này để phân tích, đánh giá cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, dự báo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động trước mắt và lâu dài.
Không ngừng nâng cao chất lượng sàn giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm; tiếp tục phối hợp tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm di động tại các quận, huyện, các trường cao đẳng, đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…; Ngày hội việc làm và tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; lồng ghép các phiên giao dịch việc làm online với các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào cùng các phiên giao dịch việc làm định kỳ.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch nắm bắt thông tin về tình hình tuyển dụng, nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp (quy mô từ 100 lao động trở lên), với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động (số lượng, trình độ) theo từng quy mô, thời gian, khả năng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để cung cấp cho người lao động được biết.
Cùng với đó là xác định mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn cung lao động phù hợp với nhu cầu của xã hội của thành phố, bằng các giải pháp đó là: Triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Giải pháp tiếp theo đó là đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động. Triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động thuộc diện chính sách xã hội và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. Thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông./.



CTV