Để thực hiện được các chỉ tiêu việc làm đề ra, từ đầu năm 2019, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về các chủ trương, chế độ chính sách ưu đãi, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ trong việc học nghề, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Nhận thức được những khó khăn, trở ngại lớn của người lao động như không nắm được thông tin về thị trường lao động, thiếu vốn, thiếu trình độ - kĩ năng, mất việc đột ngột…, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

 

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định mở phiên giao dịch việc làm lưu động

Nhằm giúp người lao động kịp thời tiếp cận thông tin mới nhất về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh) đã tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để thu thập, khai thác thông tin thị trường lao động và công bố rộng rãi trên website: vlnamdinh.vieclamvietnam.gov.vn và các phương tiện truyền thông đại chúng khác như Đài truyền hình tỉnh, đài phát thanh các huyện, thành phố.

Song song với việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng, Trung tâm còn phối hợp cùng những cơ sở đào tạo như Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định, Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định và chính quyền các huyện, xã để tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động nhằm phổ biến những chính sách mới nhất về lao động – việc làm cũng như tư vấn, hỗ trợ học viên và những người chưa có việc làm ở các địa phương nắm bắt thông tin tuyển dụng hiện tại của các công ty. Trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã cập nhật dữ liệu từ 802 doanh nghiệp, giới thiệu 43.848 vị trí việc làm còn trống cho người lao động; tổ chức thành công 9 phiên giao dịch việc làm với 141 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại phiên, 2.204 lượt người tham gia; tư vấn cho 32.943 lượt người và giới thiệu việc làm cho 2.247 lao động, trong đó, 2.022 lao động tìm được việc làm trong nước và 225 lao động được giới thiệu đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo cuộc sống cho những người bị mất việc đột ngột. Không chỉ tích cực tuyên truyền để cả người lao động và người sử dụng lao động cập nhật được những thay đổi về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm còn xây dựng quy trình tiếp nhận hồ sơ đề nghị thụ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp theo mô hình một cửa để tránh lãng phí thời gian của người lao động.

Về triển khai công tác bảo hiểm thất nghiệp, 8 tháng năm 2019, Trung tâm đã hướng dẫn cho 4.599 lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN với 4.396 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; 4.189 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, Trung tâm xác định rằng tiền trợ cấp hàng tháng chỉ là giải pháp tạm thời, những biện pháp lâu dài hơn cho người lao động mất việc là giới thiệu công việc mới phù hợp với khả năng, nhu cầu của họ và giúp đỡ họ học tập để nâng cao tay nghề, tránh nguy cơ mất việc trong tương lai. Chính vì vậy, bên cạnh việc đa dạng hóa hoạt động tư vấn việc làm như tư vấn trực tiếp khi người lao động tới nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn ở chính những doanh nghiệp có nhiều lao động nghỉ việc, tư vấn tại các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm còn tư vấn học nghề cho người thất nghiệp nhằm giúp họ đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động. Nhờ vậy, trong 8 tháng đầu năm, khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã có 129 người tìm được việc làm mới và 123 người được hỗ trợ học nghề lái xe, may công nghiệp, tin học văn phòng…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, tỉnh Nam Định tiếp tục triển khai Dự án vay vốn tạo việc làm cho người lao động. Ngoài việc tăng cường kinh phí cho quỹ phát triển việc làm, những chính sách mới đã được áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và hộ sản xuất có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh việc khuyến khích người dân khởi nghiệp, tự tạo việc làm cũng được định hướng gắn kết với xây dựng nông thôn mới, phát triển làng nghề truyền thống nhằm khai thác tốt các thế mạnh của địa phương và góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa lâu đời.

Những biện pháp thiết thực, hiệu quả của tỉnh Nam Định trong việc giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động không chỉ giúp người dân tự chủ cuộc sống của mình mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Trong thời gian tới, song song với việc tiếp tục tăng cường kết nối với các đơn vị sử dụng lao động và cải tiến, hoàn thiện phương thức tư vấn, giới thiệu việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với những đòi hỏi ngày một cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế./.

Nhóm PV