Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và
Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm ký kết phối hợp tuyên truyền

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng rõ nét hơn, trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi cơ cấu toàn xã hội và có ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực lao động, việc làm… Các vấn đề như tranh chấp hợp đồng lao động, an sinh, phúc lợi, môi trường làm việc… nảy sinh nhiều yếu tố mới. Nguy cơ mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ngày càng hiện hữu.

Xét về mặt xã hội, mọi người có sức lao động đều có quyền có việc làm. Đó là một trong những quyền cơ bản nhất của con người đã được khẳng định trong hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam. Nhưng trên thực tế, đảm bảo quyền có việc làm cho người lao động là vấn đề thách thức, là bài toán phức tạp và đầy khó khăn không những ở nước ta mà còn ở tất cả các nước trên thế giới trong điều kiện hiện nay.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội… Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đã được ban hành, cụ thể là: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; và một số nghị định, nghị quyết của Chính phủ như: Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014; Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/8/2018...  Đến nay, những chủ trương, chính sách pháp luật này được ban hành kịp thời đã cơ bản tạo ra những thay đổi quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần giải quyết tạo việc làm cho người lao động, chất lượng đời sống thu nhập của người dân vì thế ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Để chủ trương, chính sách, pháp luật, pháp lệnh về lĩnh vực lao động, việc làm tiếp tục đi vào cuộc sống, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Cục Việc Làm tham mưu xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, kịp thời về lĩnh vực lao động, việc làm cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đó, chuyên trang “Việc làm - Từ Chính sách đến thực tiễn” được Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm. Đồng thời, tạo diễn đàn trao đổi - nghiên cứu cho các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, người lao động...

Việc thiết lập chuyên trang: “Việc làm - Từ chính sách đến thực tiễn” là một bước đột phá truyền thông trong lĩnh vực việc làm. Đây không chỉ là kênh thông tin tuyên truyền một chiều mà còn tiếp nhận phản hồi đa chiều, những phản biện về chế độ, chính sách lao động, việc làm. Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tiếp nhận những thông tin thiết thực để tổng hợp, nghiên cứu và tham mưu nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong bối cảnh mới.

Lĩnh vực lao động, việc làm là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia, mỗi con người. Đây là lĩnh vực luôn đòi hỏi những chủ trương, chính sách mới phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến phải nhanh chóng, kịp thời… Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam để chủ động đẩy mạng, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách lao động, việc làm. Qua đó, góp phần đưa chính sách vào cuộc sống hiệu quả nhất./.

 

Khắc Trường