(ĐCSVN) – Vấn đề Lao động – Việc làm liên quan trực tiếp đến thu nhập, đời sống của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội.Trong thời gian qua,  tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Một cơ sở trồng nấm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. (Ảnh: NS/dangcongsan.vn)


Với những thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng cùng các chính sách ưu đãi, Bình Dương đã thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kong… Sự thành lập và mở rộng của 48 khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh một mặt dẫn đến nhu cầu tuyển dụng nhân sự lớn, song mặt khác lại đặt ra khá nhiều thách thức cho công tác giải quyết việc làm khi các công việc đều có yêu cầu nhất định về trình độ, kĩ năng, tuổi đời và tác phong của người lao động. Trong những năm gần đây, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp để tạo việc làm cho người lao động, trong đó nổi bật nhất là hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và hoạt động hỗ trợ vốn cho người lao động sản xuất, kinh doanh.

Để đảm bảo nguồn lao động cung ứng cho các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đã tăng cường kết nối với các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nhằm công bố kịp thời, chính xác tới người lao động. Các thông tin được đăng tải công khai tại trụ sở Trung tâm, tại các phiên giao dịch việc làm, trên website cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng để đông đảo người lao động được tiếp cận. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm được đa dạng hóa để phù hợp với các đối tượng thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều vùng miền như tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua mạng internet, tư vấn qua các ứng dụng… Bên cạnh đó, Trung tâm cũng liên kết với các Trung tâm Dịch vụ việc làm ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và miền Tây để tổ chức các sàn giao dịch trực tuyến để ngay cả những người lao động ở xa, không có điều kiện tới tham dự các phiên giao dịch định kỳ tại địa phương cũng có cơ hội tham gia.

Hoạt động đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp cũng được quan tâm, chú trọng. Phối hợp cùng các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ giữa học sinh, sinh viên và đại diện một số doanh nghiệp. Tại đây, các bạn học sinh, sinh viên không chỉ được giải đáp những thắc mắc liên quan đến công việc, nghề nghiệp thực tế mà còn được định hướng về việc làm và tư vấn về những xu hướng mới của thị trường lao động. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề lái xe, may mặc, đầu bếp, chăm sóc cây cảnh… cho lao động nông thôn, người khuyết tật… Sau khi kết thúc khóa học, những học viên đáp ứng yêu cầu về trình độ được hỗ trợ giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Song song với công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người lao động, chính sách tín dụng ưu đãi cũng được triển khai hiệu quả, giúp hàng chục nghìn lao động tại Bình Dương tự chủ về việc làm và mở rộng sản xuất. Hiện nay, Bình Dương được coi là một trong những tỉnh, thành sử dụng tốt nguồn kinh phí từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác để cho vay giải quyết việc làm. Tính đến tháng 9/2019, 1.243 tỉ đồng đã được Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương thông qua để hỗ trợ hơn 31.000 người lao động. Từ nguồn vốn vay, người lao động Bình Dương đã triển khai các mô hình sản xuất tăm tre, đan chổi, sản xuất đồ gỗ, trồng nấm, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc…, tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế như người khuyết tật, người nghèo, lao động di cư, lao động nữ, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nhân dân và khôi phục các ngành nghề truyền thống của địa phương.

Những biện pháp thiết thực và đồng bộ trên đây không chỉ đảm bảo an sinh xã hội mà còn góp phần tạo nên sự khởi sắc mạnh mẽ về kinh tế tại Bình Dương. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương tập trung đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:  

 - Tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn II (2016-2020) và Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người LĐ và người sử dụng LĐ trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2017 -2021.

- Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động: nâng cao chất lượng việc điều tra, dự báo về thông tin thị trường lao động; thực hiện kết nối giữa người lao động tìm việc và doanh nghiệp tuyển dụng: tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp; sàn giao dịch việc làm; hệ thống dữ liệu người tìm việc, việc tìm người; tư vấn qua Email, facebook, skype, …

- Thực hiện các Dự án, đề án, chương trình phát triển thị trường lao động và việc làm năm 2019 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020.

- Nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp; thực hiện việc kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách để xã hội hóa công tác giáo dục nghề nghiệp.

- Nghiên cứu khoa học: phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng 02 đề án khoa học – xã hội: đề án “Thị trường lao động tỉnh Bình Dương: thực trạng, giải pháp giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” và đề án “Đảm bảo nguồn lao động có tay nghề trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 -2020 và đến năm 2025”.

- Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động – việc làm của doanh nghiệp; phối hợp Liên đoàn LĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các công đoàn cơ sở nắm bắt và thông tin kịp thời việc sa thải lao động không đúng quy định pháp luật để có giải pháp kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

 

 

Hồng Ánh