Ảnh minh họa (Nguồn: chinhphu.vn)


Tại Công văn số 387/TTg-KGVX, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Hồ sơ theo quy định.

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3/2020.

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ có xuất xứ từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), đã có từ cách đây hàng trăm năm, vốn gắn với tập tục treo tranh vào ngày Tết, Tết Trung thu, thờ cúng tổ tiên.

Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam, trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.

Tranh Đông Hồ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có những đặc trưng riêng về kỹ thuật in, chủ đề, màu sắc và đồ họa với các công đoạn làm tranh bằng tay, từ sáng tác mẫu tranh, khắc ván in đến làm màu, in tranh

Tranh được in bằng tay và có thể sản xuất số lượng lớn bằng giấy dó, màu sắc in tranh có nguồn gốc tự nhiên như than xoan, hoa hòe, quả dành dành, sỏi son... Nghề làm tranh Đông Hồ đang cần bảo vệ khẩn cấp, do tập quán chơi tranh không còn phổ biến như trước đây, đa phần các hộ làm tranh ở Đông Hồ đã chuyển sang làm hàng mã.

Theo các nhà nghiên cứu, sau thời kỳ hoàng kim vào khoảng thế kỷ 17, đến trước năm 1945, người Pháp du nhập giấy ram và phẩm màu, bổ sung nguyên liệu làm tranh. Năm 1960, Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ ra đời. Trước năm 1986, tranh Đông Hồ được xuất đi các nước xã hội chủ nghĩa. Năm 2013, nghề tranh dân gian Đông Hồ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2017, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp../.


PV