Bên cạnh đó, nếu gặp rủi ro về việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, quan trọng hơn nữa là có các biện pháp để hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để  người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, đồng thời, người thất nghiệp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Trung tâm dịch vụ việc làm) được giao nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp: Tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; trợ cấp thất nghiệp và để thực hiện được các chế độ này thì các trung tâm dịch vụ việc làm phải đẩy mạnh thông tin thị trường lao động và các hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm; cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện thu -  chi và quản lý Qũy bảo hiểm thất nghiệp. Công tác phối hợp giữa bộ, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được triển khai như sau:
Phối hợp trong nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký các quy chế phối hợp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, và các cơ quan liên quan như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam... Trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Việc làm, thành viên Tổ biên tập, Ban soạn thảo là đại diện các bộ, ngành tham gia góp ý trực tiếp vào quá trình soạn thảo văn bản, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhận được đầy đủ các ý kiến tham gia góp ý của các bộ, ngành và các đơn vị để tổng hợp trước khi trình, ký ban hành.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành Thông tư số 14/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 22/8/2013 Hướng dẫn thực hiện Khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2012 của Chính phủ về việc thông báo với cơ quan lao động khi có biến động lao động làm việc tại các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/3/2016 hướng dẫn thực hiện Khoản 6 Điều 32 của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp về việc thông báo biến động lao động làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Để tăng cường sự phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất Chương trình phối hợp 1901/CTPH-BLĐTBXH-BHXHVN ngày 11/6/2010. Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp ngày 31/12/2010 trong việc xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thống nhất các nội dung như: Phối hợp xây dựng, bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp thực hiện các hoạt động triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra về bảo hiểm thất nghiệp, chỉ đạo tổ chức thực hiện, xử lý vướng mắc và nâng cao năng lực cán bộ, chuyên viên của hai bên và các vấn đề khác có liên quan khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
- Công tác phối hợp tuyên truyền giữa các các quan, ban, ngành được quan tâm, nội dung tuyên truyền tập trung vào phổ biến những điểm mới của Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn Luật.
+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp như: giải đáp thắc mắc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại một số địa phương và khu công nghiệp, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp,...
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai các chuyên mục tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện, tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến người sử dụng lao động, người lao động trên địa bàn, thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện các nội dung quản lý nhà nước liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
+ Trung tâm dịch vụ việc làm đã tiến hành phối hợp với phòng Chính sách lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Ban quản lý các khu công nghiệp phát trực tiếp cho quản lý nhân sự của các công ty, tổ chức công đoàn thông qua các cuộc họp công đoàn để phát trực tiếp cho công nhân và bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã...
- Áp dụng đa dạng hình thức tuyên truyền để phù hợp với từng đối tượng
+  Thực hiện tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo, tạp chí chuyên ngành, báo điện tử... Đây là những kênh truyền thông truyền tải thông tin đến cộng đồng nói chung và người lao động nói riêng nhanh nhất, với mức độ bao phủ lớn, đạt hiệu quả cao.
Tuyên truyền nhiều kỳ trên báo hình, báo viết của tỉnh, của huyện và báo ngành, tờ rơi, băng thả, băng zôn, mẫu biểu hướng dẫn nhằm đa dạng hóa các hình thức thông tin gây sự chú ý cho người đọc và người xem.
+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp và giải đáp các vướng mắc của người lao động và người sử dụng lao động tại các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất; tập đoàn và tổng công ty từ nguồn chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể: năm 2015, tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền tại 3 địa phương; năm 2016 tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền tại 6 địa phương; năm 2017 tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền tại 14 địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; năm 2018 tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền tại 11 địa phương, 2 hội nghị tuyên truyền cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

+ Tại các địa phương, trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp thông qua hoạt động của sàn giao dịch, điểm giao dịch việc làm tại Trung tâm hoặc kết hợp lồng ghép hoạt động tuyên truyền bảo hiểm thất nghiệp với các hoạt động tuyên truyền về chính sách sách pháp luật trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
+ In ấn tờ rơi, pano, áp phích, băng thả, băng ngang (phục vụ tuyên truyền đến các địa phương, doanh nghiệp, các khu công nghiệp), tuyên truyền tại sàn giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng.=
+ Tổ chức hội nghị tuyên truyền; hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
- Công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động,
Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, chú trọng; nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động ban hành nghị quyết, chuyên đề, xây dựng chương trình kế hoạch về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Số doanh nghiệp, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng; số lượng người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp không đầy đủ hoặc nộp chậm ngày càng giảm, tình trạng hồ sơ không đầy đủ, người lao động phải đi lại nhiều lần, bức xúc, trách móc cán bộ cũng đã giảm thiểu đáng kể...
Phối hợp trong việc xử lý các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp:
Công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tài chính, Nội vụ, Công đoàn... trong việc tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nhân sự, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong thực tế phát sinh. Các cơ quan, ban, ngành đã xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể như sau:
- Đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội: Tập trung công tác khảo sát, nắm tình hình thực hiện chính sách lao động, bảo hiểm thất nghiệp, công tác quản lý lao động để có các điều chỉnh về chính sách, quy trình tổ chức thực hiện hợp lý.
- Đối với ngành Bảo hiểm xã hội: Tập trung công tác rà soát đối tượng thu, quy trình thu, quy trình chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
- Đối với ngành Tài chính: Tập trung hướng dẫn cụ thể về nội dung chi, mức chi, phương thức chi cho các hoạt động bảo hiểm thất nghiệp đặc biệt là hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và các hoạt động liên quan tại trung tâm dịch vụ việc làm từ nguồn kinh phí chi quản lý bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
- Đối với ngành Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục hình thức trao đổi thông tin nắm tình hình biến động các đơn vị trên địa bàn, tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có các hỗ trợ kịp thời từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng như kiểm soát tình hình đóng bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị.
- Đối với ngành Nội vụ: Tập trung công tác hướng dẫn, rà soát đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với cơ quan sự nghiệp nhà nước trên địa bàn, hướng dẫn về vị trí việc làm đối với nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.
- Đối với tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động: Tập trung nắm tâm tư, nguyện vọng của người lao động, người sử dụng lao động để có các điều chỉnh về mặt chính sách, quy trình thực hiện, công tác tuyên truyền phù hợp đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động và hạn chế khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp.
- Đối với ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất: Phối hợp kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và phối hợp tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp cho người làm công tác bảo hiểm thất nghiệp trong các đơn vị hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở địa phương.
- Đối với chính quyền đoàn thể địa phương: Gắn kết với Uỷ ban nhân dân, các quận, huyện và phường, xã là nơi nắm rõ nhất tình hình biến động và sử dụng lao động của các đơn vị trên địa bàn là biện pháp hữu hiệu để có các hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động.
Tại các địa phương, Sở Lao động - Thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở và Bảo hiểm xã hội các tỉnh đã chủ động xây dựng điều chỉnh Quy chế phối hợp về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm, cụ thể các quy trình, trách nhiệm giữa hai bên; xác minh thông tin trong quá trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; liên thông về cơ sở dữ liệu thu, chi và quá trình hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Chia sẻ cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Bảo hiểm xã hội đang tiến hành các bước về chia sẻ cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp, trong đó giao cụ thể cho các đơn vị thực hiện và thống nhất các chỉ tiêu và các hoạt động liên quan đến kỹ thuật kết nối liên thông cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu và hoàn thiện Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, trong đó quy định các nội dung về trình tự thủ tục thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp để từng bước hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách.
Hai bên đã thống nhất các chỉ tiêu và các hoạt động liên quan đến kỹ thuật kết nối liên thông cơ sở dữ liệu bảo hiểm thất nghiệp giữa Cục Việc làm và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp để liên thông dữ liệu thu, chi và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp giữa các bên trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế
Việc tuyên truyền về công tác bảo hiểm thất nghiệp ở một số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước nơi chưa có tổ chức công đoàn chưa được thường xuyên, kịp thời và nếu có tuyên truyền thì chất lượng, hiệu quả chưa cao, người lao động chưa nắm được các chế độ, chính sách của Nhà nước, vì vậy còn một số cơ quan, đơn vị và nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước tình trạng vi phạm các quy định của Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội; tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội còn nhiều; mức xử phạt vi phạm còn nhẹ chưa đủ sức răn đe và việc tính lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội còn thấp; vẫn còn một số lao động chưa nhận thức rõ quyền và trách nhiệm của bản thân khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế và khó thực hiện. Vì vậy, một số ít doanh nghiệp vẫn cố trình chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; chưa triển khai kết nối phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với cơ quan bảo hiểm xã hội để phục vụ cho việc tiếp nhận và giải quyết hưởng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, giảm bớt thủ tục hành chính và kiểm tra, kiểm soát kịp thời khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tránh tình trạng gian lận, trục lợi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Về các giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Một là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp; đào tạo nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.
Hai là, nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách pháp luật khác có liên quan đảm bảo công tác thông tin, truyền thông cần phải được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp và đồng bộ, thông tin tuyên truyền kết hợp với tư vấn, giải đáp về chính sách với nhiều hình thức phong phú và phù hợp cho từng đối tượng là người sử dụng lao động và người lao động, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm.
- Phối hợp chặt chẽ với công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... nhằm tăng cường giám sát trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ quản lý cụ thể về chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp, một mặt để bảo vệ quyền lợi chính sách của người lao động và của người sử dụng lao động, mặt khác để bảo đảm hoạt động quản lý bảo hiểm thất nghiệp được minh bạch, hiệu quả.
- Các cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể tăng cường hướng dẫn các đơn vị cấp dưới của mình tích cực hưởng ứng, vận động các thành viên của tổ chức mình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội của quốc gia.

Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
- Đầu tư công nghệ thông tin đảm bảo sự đồng bộ các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật gắn kết với cải cách hành chính, phương thức làm việc trong tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
- Thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo hiểm xã hội, kế hoạch đầu tư, thuế, tài chính, đơn vị sử dụng lao động và người lao động trong việc quản lý, thu thập, tổng hợp, lưu trữ, cung cấp thông tin thị trường lao động, giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
- Xây dựng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp trong việc khai báo nhu cầu sử dụng lao động, tuyển lao động, thông báo biến động lao động trên địa bàn.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHTN; tiếp tục hiện đại hóa quản lý bảo hiểm thất nghiệp, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện.
- Tăng cường đánh giá, rà soát các thủ tục hành chính về bảo hiểm thất để giản lược các thủ tục không cần thiết mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động, không ảnh hưởng tính thực thi của chính sách và độ an toàn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đến thủ tục hành chính về BHTN.
- Xây dựng bộ danh mục thủ tục hành chính về bảo hiểm thất nghiệp nhằm cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở đẩy mạnh giao dịch điện tử về bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài việc cắt giảm những thủ tục không cần thiết cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức thực hiện BHTN.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Sáu là, tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật về mô hình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp để xây dựng mô hình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở thông lệ quốc tế và tiêu chuẩn tại các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trần Văn Công