Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Việt Nam Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động đặc biệt về Ứng phó với tác động của dịch bệnh Corona Virus 2019 (COVID-19) đối với lao động và việc làm điểm cầu Hà Nội, Việt Nam

Hội nghị là sáng kiến của In-đô-nê-sia với vai trò là Phó Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN đề xuất, trong bối cảnh dịch bệnh COVID không chỉ tác động đến các ngành kinh tế, mà đặt ra những thách thức đối với việc làm và sinh kế của người dân ASEAN.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã cùng chia sẻ thông tin về các chính sách, chương trình và nhóm hỗ trợ xã hội của từng quốc gia nhằm ứng phó với tác động của dịch COVID-19, dành cho người lao động, đặc biệt các vấn đề liên quan đến tiền lương/thu nhập, việc làm, an toàn và sức khỏe. Đồng thời, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cũng chia sẻ khuyến nghị đối với các phản ứng chung của ASEAN về tác động của COVID-19 trong lĩnh vực lao động và việc làm.
Một nội dung được các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đặc biệt quan tâm, đó là thông qua “Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về ứng phó với các tác động của dịch Virus Corona 2019 (COVID-19) đối với lao động và việc làm” , đồng thời ghi nhận những nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong công tác hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

 

Hội nghị được tổ chức trực tuyến

 

Theo đó, các Bộ trưởng Lao động ASEAN sẽ hợp tác trong các công việc: (i) Cung cấp hỗ trợ kịp thời về sinh kế và sức khỏe cho tất cả người lao động, đặc biệt với những người thu nhập thấp và lao động làm trong nền kinh tế phi chính thức, các ngành có rủi ro cao; (ii) đảm bảo những người lao động bị sa thải hoặc bị thôi việc đều được bồi thường bởi ngừoi sử dụng lao động, hoặc được nhận trợ cấp xã hội; (iii) Cung cấp hỗ trợ phù hợp cho người lao động di cư trong khu vực ASEAN; (iv) chia sẻ các thực tiễn và bài học tốt nhất giữa các quốc gia thành viên về các biện pháp giúp đỡ người lao động, người sử dụng lao động có nguy cơ, nâng cao khả năng phục hồi của họ.
Việc thực hiện các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự chuẩn bị về các chính sách lao động và việc làm trước những tác động bất lợi bởi đại dịch, vấn đề khủng hoảng kinh tế trong tương lai được giao cho các Quan chức cấp cao ASEAN về lao động. Việc hợp tác chung được đưa vào Chương trình làm việc của Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2021-2025, để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 26.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị, đặc biệt vào thời điểm các quốc gia ASEAN đang cùng chung tay ngăn ngừa đại dịch COVID-19. Chia sẻ kinh nghiệm về tình hình kiểm soát dịch COVID tại Việt Nam; những biện pháp Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để ứng phó kịp thời với những khó khăn do dịch COVD-19 gây ra. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã thông qua gói hỗ trợ hơn 62 ngàn tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD) cho khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng, trọng tâm là hỗ trợ lao động bị mất, giảm việc làm, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngưng trệ sản xuất bởi dịch COVID. Bộ trưởng tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Lãnh đạo Cấp cao và các hành động chính sách ở cấp khu vực, ASEAN sẽ sớm cùng vượt qua thời điểm khó khăn, khôi phục thị trường lao động và xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

 

Bộ trưởng Lao động ASEAN thông qua Tuyên bố chung tại Hội nghị

 

Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ cảm ơn các Bộ trưởng/ Trưởng đoàn, Ngài Tổng Thư ký ASEAN đã ủng hộ sáng kiến của Việt Nam xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay, sẽ trình Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thông qua vào tháng 6/ 2020. Bộ trưởng bày tỏ hy vọng với lộ trình thực hiện Tuyên bố, sẽ là nền tảng hợp tác quan trọng của ASEAN trong nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động trong khu vực.

Bên cạnh nội dung họp kín giữa các nước thành viên, Hội nghị còn diễn ra cuộc họp mở với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder đã chia sẻ khung khổ chính sách mà ILO đã đưa ra nhằm phòng chống  đại dịch COVID-19 dựa trên các Tiêu chuẩn lao động quốc tế với 4 trụ cột: thúc đẩy kinh tế và việc làm; hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo việc làm và thu nhập; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc và dựa vào đối thoại xã hội để tìm các giải pháp. Theo đó, các Bộ trưởng ASEAN mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác với ILO trong lĩnh vực lao động và việc làm thời gian tới, để giải quyết thách thức mà dịch COVID-19 và các vấn đề liên quan đến tương lai của việc làm nói chung.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thông tin về dự kiến Việt Nam sẽ trình “Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực trong một thế giới Công việc đang đổi thay” lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thông qua vào tháng 6/2020 và sau đó sẽ xây dựng Lộ trình thực hiện Tuyên bố. Đồng thời, Bộ trưởng mong được chào đón Tổng Giám đốc ILO và các Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN, cùng Ngài Tổng Thư ký ASEAN đến Việt Nam tham dự “Hội nghị cấp cao về Phát triển Nguồn nhân lực trong thế giới công việc đang đổi thay trong năm 2020” để có cơ hội thảo luận thêm về hợp tác trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động ASEAN đặc biệt về Ứng phó với tác động của dịch bệnh COVID 19 đối với lao động và việc làm đã thành công tốt đẹp và đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về ứng phó với các tác động của COVID-19 đối với lao động và việc làm
Theo Cổng TTĐT Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội