Báo cáo việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19 tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã khẳng định: Gói hỗ trợ an sinh xã hội là một quyết định chưa có trong tiền lệ; một quyết định thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Bộ trưởng nhắc lại một ý kiến nhận định: “Tôi đã nhìn thấy ở đây về việc Nhà nước mở ngân khố quốc gia cho người nghèo, người yếu thế.

Là đơn vị tham mưu giúp Chính phủ đưa ra quyết sách về gói hỗ trợ an sinh xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có những nghiên cứu và phân tích về hiện trạng, đánh giá và tác động của dịch bệnh đến hàng triệu người lao động và những người yếu thế trong xã hội. Để gói hỗ trợ an sinh kịp thời đến với người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã làm việc đầy trách nhiệm, không quản ngày đêm, chạy đua với thời gian để có được những báo cáo đánh giá chính xác, tham mưu kịp thời.

Trong đó, công tác dự báo về số lao động bị ngưng việc, mất việc làm gặp không ít khó khăn. Công tác thu thập thông tin đòi hỏi phải nhanh nhất, số liệu chính xác nhất. Để làm rõ hơn quá trình tham mưu, chuẩn bị dự thảo gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ, phóng viên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

 

Đồng chí Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.

 

Phóng viên (PV): Trước hết xin cảm ơn đồng chí Cục trưởng đã trả lời phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Kính thưa đồng chí Cục trưởng, để gói an sinh 62.000 tỷ đồng kịp thời đến với người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đồng chí có thể cho biết Cục Việc làm đã tham gia trong quá trình tham mưu và dự thảo các chế độ, chính sách đối với gói hỗ trợ này như thế nào?

Đồng chí Vũ Trọng Bình: Tại chính sách này, vai trò của Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt quan trọng vì Chính phủ giao cho Bộ chủ trì. Ngay từ ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán, Cục Việc làm nhận được chỉ đạo của Bộ, trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng và đồng chí thứ trưởng phụ trách. Cục Việc làm đã triển khai ngay công tác nắm bắt và đánh giá tình hình về thị trường lao động, dự báo về những khủng hoảng thị trường lao động do tác động của Đại Dịch COVID-19, đặc biệt là dự báo về số lượng lao động bị ngưng việc, mất việc làm… cứ 2 ngày 1 lần Cục lại báo cáo Bộ để Bộ báo cáo Chính phủ. Theo đó, công tác dự báo đã được Cục Việc làm thực hiện có hiệu quả, đặc biệt các số liệu dự báo liên quan đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Đại dịch COVID-19 của Cục Việc làm đã dự báo sát với số liệu công bố của Tổng Cục thống kê sau đó.

Và để báo cáo có được những số liệu đáng tin cậy, Cục Việc làm liên tục cập nhật đánh giá về thị trường lao động bị khủng hoảng do tác động của đại dịch COVID-19, Cục Việc làm đã khảo sát và kiểm tra thực tiễn rất nhiều đơn vị, nhiều cơ sở ở các địa phương. Thông qua việc khảo sát thực tế cho thấy, đời sống người lao động, nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và lực lượng lao động tự do rất khó khăn, phần đông đã phải nghỉ việc… Bên cạnh đó, Cục Việc làm được Bộ giao trách nhiệm tham gia hướng dẫn, giải đáp tiếp nhận phản hồi ý kiến của nhân dân triển khai gói an sinh xã hội thông qua qua hệ thống Tổng đài điện thoại được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

PV: Thưa đồng chí Cục trưởng, Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội nói chung và vấn đề việc làm nói riêng. Xin đồng chí có thể cho biết một số nhóm giải pháp liên quan đến thị trường lao động, việc làm hậu COVID-19?

Đồng chí Vũ Trọng Bình: Như chúng ta đã thấy, có thể khẳng định công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam là tốt nhất thế giới. Qua khủng hoảng của Đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tạo ra niềm tin an toàn cho nhà đầu tư. Rất có thể sẽ có những làn sóng đầu tư quốc tế vào Việt Nam sắp tới, đây sẽ là cơ hội tạo ra những thay đổi về cơ cấu chuyển dịch đầu tư mới, cơ cấu thị trường lao động cũng như sẽ tạo ra nhiều việc làm mới.

Việt Nam cần có chính sách để thúc đẩy và phát triển thị trường lao động, việc làm hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta phải chủ động tham gia chuỗi cung ứng thị trường lao động toàn cầu. Muốn vậy, công tác dự báo, định hướng, đào tạo nguồn nhân lực phải được làm đồng bộ và rất sớm, nhất là vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, ngoại ngữ… Đây cũng là một trong những nhóm giải pháp được Cục Việc làm chủ động nghiên cứu và tham mưu với Bộ để Bộ trình Chính phủ phê duyệt gói hỗ trợ đào tạo cho khoảng 1 triệu lao động bằng kinh phí từ tiền của quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Cục Việc làm phải cần làm rất nhiều việc để chuẩn bị cho những cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ thị trường lao động, việc làm. Đặc biệt là hỗ trợ người lao động sau khủng hoảng đại dịch COVID-19. Đó là các hoạt động làm sao để có được chính sách thúc đẩy kết nối cung –cầu lao động; cần phải thúc đẩy các hoạt động giao dịch của hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm; xây dụng các chính sách phù hợp để hỗ trợ người lao động, nhất là các vấn đề liên quan đến chuyển dịch cơ cấu lao động do vấn đề toàn cầu hóa cũng như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa…

PV: Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nhóm PV