Công ty CP giày da Huê Phong cắt giảm gần 50% lao động. (Ảnh: Duyên Phan)


Ngày 25/5, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin Công ty CP giày da Huê Phong cắt giảm gần 50% lao động (khoảng 2.222 người), tổng số lao động của Công ty Huê Phong trước khi cắt giảm là khoảng 4.700 người, đơn vị cùng Liên đoàn Lao động TP và quận Gò Vấp đã đến làm việc với Công ty CP Giày da Huê Phong để nắm bắt tình hình giải quyết chế độ chính sách họ.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Khởi Phương, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Giày da Huê Phong, cho biết dịch COVID-19 kéo dài khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Dù đã gắng duy trì sản xuất đến tháng 4/2020, nhưng nhiều khách hàng của công ty ở thị trường châu Âu và Mỹ đã hủy đơn hàng. Do không xuất được hàng, công ty phải thu hẹp sản xuất, dẫn đến việc cắt giảm số lao động trên.

Ngay lập tức công ty đã báo cáo đến các cơ quan quản lý như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động quận, UBND quận về tình hình này. Trong thời gian đó, công ty vẫn trả lương cho công nhân, cho họ ở lại ký túc xá công ty để tìm việc mới. Đồng thời, công ty không cắt giảm lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, Công ty CP Giày da Huê Phong thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động bị cắt giảm. Trong đó, công ty chi trả trợ cấp mất việc cho những công nhân làm việc tại công ty từ năm 2008 trở về trước (thời điểm chưa có bảo hiểm thất nghiệp), mỗi người 2 tháng lương. Tổng số tiền chi trả trợ cấp mất việc là gần 53 tỷ đồng. Đối với những công nhân đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, công nhân làm thủ tục để cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định.

Ngay sau đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu, bố trí toàn bộ hơn 2.220 người lao động này tới làm việc tại 8 công ty trên địa bàn quận Gò Vấp, như: Công ty Gilimex (cần tuyển 2.000 người); Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn; Công ty cổ phần May Phương Đông; Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi; Công ty cổ phần 28 Hưng Phú; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ngọc; Doanh nghiệp tư nhân thương mại - dịch vụ - sản xuất Bảo Huy và Công ty TNHH May mặc Bảo Cửu. 

Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường lao động tại TP trong 5 tháng qua gần như chững lại, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giảm mạnh.

Cụ thể, nhu cầu lao động của TP trong quý I/2020 là 65.430 chỗ làm việc, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chủ yếu rơi vào một số ngành nghề như vận tải, giáo dục, dịch vụ lưu trú, du lịch. Xu hướng này tiếp tục kéo dài sang quý II với dự báo nhu cầu tuyển dụng cần 47.000 lao động, tiếp tục giảm 37,33% so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu ở các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da…


CM