Trụ sở chính Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh.

Kết quả thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở Quảng Ninh trong 10 năm (từ năm 2010 đến hết năm 2019) được tóm tắt bằng những con số cơ bản như: Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN): 45.152 người; Số người có quyết định hưởng TCTN hằng tháng: 42.095 người; Số lượt người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm (GTVL): 51.364 lượt người; Số người được giới thiệu việc làm: 2.219 người; Số người được hỗ trợ học nghề: 1.181 người; Số người không nộp hồ sơ hưởng TCTN sau khi được tư vấn, giới thiệu việc làm: 73 người; Số người bị xử phạt vi phạm hành chính về BHTN: 68  người. 100% người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh (Trung tâm) nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về quyền lợi, nghĩa vụ và giải quyết chế độ đúng quy định của pháp luật.

 

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh giải quyết thủ tục trợ cấp thất nghiệp cho lao động.

Để triển khai tốt chính sách BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn liên quan của Sở LĐ-TB&XH; BHXH tỉnh để xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và chi trả trợ cấp thất nghiệp đảm bảo đúng, kịp thời cho người lao động. Trung tâm thường xuyên rà soát, bổ sung các quy định về nhiệm vụ của từng bộ phận; Các quy trình về thời gian giải quyết thủ tục, công việc cụ thể; Quy trình phối hợp thực hiện chính sách BHTN giữa các phòng nghiệp vụ thuộc Trung tâm; Các nội dung phối hợp thực hiện giữa BHXH tỉnh và Trung tâm.

Trung tâm bố trí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 6 điểm tiếp nhận hồ sơ BHTN được phân bổ đều ở các địa phương với khoảng cách đều dưới 60km. Đây là khoảng cách phù hợp với yêu cầu và giúp người lao động không phải di chuyển quá xa. Tại 4 thành phố Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả đều có sàn giao dịch việc làm định kỳ. Ngoài ra, hằng năm, Trung tâm còn phối hợp với Phòng Lao động TBXH một số địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại địa bàn. Đây là cách làm nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nói chung và lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nói riêng có thể dễ dàng tham gia tìm kiếm việc làm và học nghề.

Qua hơn 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh; Sự phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh trong việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN; Đặc biệt là sự đồng thuận tham gia của người lao động và người sử dụng lao động đã mang lại cho Quảng Ninh những kết quả tích cực.

 

Ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm DVVL Quảng Ninh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ kết quả mà Quảng Ninh đạt được, có thể khẳng định chính sách BHTN đã dần khẳng định được vai trò là một công cụ quản trị thị trường lao động, gắn bó chặt chẽ với các chính sách về lao động - việc làm, phát triển thị trường lao động... BHTN đã và đang góp phần tích cực làm ổn định xã hội, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong lúc bị ngưng việc, mất việc làm sớm ổn định cuộc sống, sớm tìm được việc làm hoặc được học thêm nghề mới để có thêm cơ hội tìm được việc làm phù hợp. Với những lợi ích mang lại, BHTN đã từng bước đi vào cuộc sống và thực sự trở thành “phao cứu sinh” của nhiều lao động trong lúc khó khăn góp phần làm ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh những kết quả tích cực mà Quảng Ninh đạt được trong hơn 10 năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách BHTN ở Quảng Ninh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế..., do Quảng Ninh là tỉnh có địa hình phức tạp trải dài gần 300 km, đồi núi, biên giới, hải đảo, các văn phòng đại diện BHTN xa Trung tâm (Chi nhánh Móng Cái cách trụ sở chính của Trung tâm gần 180km) nên việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHTN còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu rõ được quyền và trách nhiệm của mình trong quá quá trình hưởng TCTN. Đa số lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến chế độ được hỗ trợ như: Học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm...

Vẫn còn nhiều trường hợp người lao động đang hưởng TCTN đã có việc làm mới và đóng nối tiếp BHXH- BHTN nhưng không thông báo với Trung tâm hoặc thông báo không đúng sự thật nhằm trục lợi BHTN. Việc chi trả TCTN qua nhiều khâu (BHXH – Bưu điện – Ngân hàng – Người lao động) dẫn tới chi trả chậm TCTN, người lao động bức xúc, to tiếng, một số trường hợp bất hợp tác với cán bộ các đại diện BHTN trong việc thông báo tìm kiếm việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ học nghề…

Sự liên thông giữa các cơ quan thực hiện BHTN còn gặp không ít khó khăn, công cụ hỗ trợ còn hạn chế, cụ thể như: Phần mềm BHTN chưa kết nối với cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH (nhằm hạn chế việc trục lợi của người lao động). Phần mềm BHTN chưa hoàn thiện, nên chưa thể chiết xuất được các báo cáo hoặc thống kê số liệu theo quy định nên việc cập nhập, theo dõi tổng hợp số liệu cán bộ vẫn nhập bằng excel, khiến cho cán bộ phải thực hiện nhiều công việc cùng một lúc; Một số tác nghiệp trên phần mềm vẫn chưa thực hiện được…

Thực tế còn có không ít những khó khăn như mức hỗ trợ học nghề còn thấp (tối đa 01 triệu đồng/tháng và hỗ trợ không quá 06 tháng), chưa hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không thực hiện việc thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm về tình hình biến động lao động theo quy định của Nghị định số 28/2015/NĐ- CP ngày 12 tháng 3 năm 2015.

Để chính sách BHTN ngày càng đi vào cuộc sống, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh hết sức chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức tuyên truyền, từ việc chỉ tuyên truyền về các quy định và thủ tục giải quyết hưởng TCTN thì nay đã tập trung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người lao động khi hưởng TCTN. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ đi cơ sở, về tận địa bàn các huyện, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các trường học, trường nghề hướng dẫn, trao đổi, tổ chức tọa đàm về chính sách BHTN. Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền về BHTN cũng được lồng ghép trong các chương trình tập huấn của Sở LĐ- TB&XH cho các đơn vị, doanh nghiệp; qua các hội nghị tuyên truyền phổ biến và đối thoại pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN giữa Sở LĐ-TB&XH với LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh...


PV