Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hòa Bình, kết quả thực hiện nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Hòa Bình đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều mô hình vay vốn sản xuất, kinh doanh điển hình như:  Dự án trồng keo tại huyện Lương Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy; Dự án chăn nuôi bò tại huyện Lương Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy, ...; Dự án nuôi cá lòng hồ sông Đà tại huyện Đà Bắc; Dự án trồng cây có múi tại huyện Tân Lạc, Yên Thủy, Cao Phong…

 

 

 

Cựu chiến binh Phan Xuân Phương giới thiệu mô hình trồng cam và chăn nuôi lợn của gia đình với cán bộ NHCSXH và phóng viên Báo điện tử ĐCSVN


Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Cựu chiến binh Phan Xuân Phương, ở khu 2 thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cho biết, gia đình ông được NHCSXH chi nhánh Hòa Bình cho vay năm mươi triệu đồng từ Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, với số tiền được vay gia đình ông đã sử dụng để xây dựng tu bổ lại chuồng trại chăn nuôi lợn và xây dựng bể Biogas góp phần giải quyết tình trạng vệ sinh nông thôn, bảo vệ môi trường và tạo nguồn phân hữu cơ chăm sóc vườn cam của gia đình. Thu nhập của gia đình ông vì thế cũng được gia tăng đáng kể. Ông Phương nói: Nếu NHCSXH Hòa Bình cho vay với số tiền nhiều hơn thì gia đình ông sẽ tiếp tục vay để mở rộng vườn cam, cũng như kiên cố lại chuồng trại chăn nuôi lợn… tạo ra nhiều việc làm cho bà con nông dân ở địa bàn những lúc nông vụ nhàn rỗi.

 

Cán bộ NHCSXH thăm mô hình trồng cam của gia đình bà Nguyễn Thị Mận

 

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Mận ở Khu 6 thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong được NHCSXH chi nhánh Hòa Bình cho vay hai mươi triệu đồng để trồng cam, đến nay vườn cam của gia đình bà Mận đã cho thu hoạch hàng chục tấn cam mỗi năm. Từ vườn cam của gia đình đã tạo việc làm ổn định cho vợ chồng bà cũng như thu nhập của gia đình được cải thiện. Bà Mận mong muốn NHCSXH cho gia đình bà vay số tiền lớn hơn để gia đình đỡ phải vay từ các nguồn cho vay bên ngoài và sẽ yên tâm hơn trong đầu tư phát triển vườn cam của gia đình.

Tổng nguồn vốn cho vay Giải quyết việc làm Chi nhánh NHCSXH Hòa Bình đang quản lý là: 140,82 tỷ đồng trong đó: (1) Nguồn vốn Trung ương là: 102,49 tỷ đồng, bao gồm Quỹ quốc gia về việc làm: 68,5 tỷ đồng, vốn NHCSXH huy động để cho vay: 33,99 tỷ đồng; (2) Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay là 38,33 tỷ đồng, gồm: nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp 13,65 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách huyện cấp 24,68 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện năm 2019 và 7 tháng đầu năm 2020: đã triển khai cho 3.314 lượt cơ sở, người lao động vay vốn với số tiền 101,42 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 3.388 lao động; tổng doanh số thu nợ 55,27  tỷ đồng, chiếm  54,5% doanh số cho vay (trong đó 7 tháng đầu năm 2020 đã cho 1.390 lượt cơ sở, người lao động vay vốn với số tiền 43,66 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.397 lao động; tổng doanh số thu nợ 21,81 tỷ đồng, chiếm  49,95% doanh số cho vay).

Tổng dư nợ đạt 140,34 tỷ đồng, với 4.898 khách hàng vay còn dư nợ, nguồn vốn được bổ sung cho vay giải quyết việc làm năm 2020 chi nhánh đã phối hợp triển khai và cơ bản đã giải ngân hết, hiện không còn tồn đọng vốn.

Về chất lượng tín dụng luôn được quan tâm và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn vốn cho nhà nước, đến 31/7/2020, nợ quá hạn và nợ khoanh 803 triệu đồng, chiếm 0,57% dư nợ chương trình. Nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương để cho vay giải quyết việc làm cùng với nguồn vốn quỹ quốc gia về việc làm của trung ương đã hỗ trợ tích cực cho người dân trên địa bàn để duy trì và tạo việc làm, thu nhập ổn định.

Bên cạnh những kế quả tích cực đạt được, Hòa Bình vẫn còn gặp không ít những khó khăn trong việc cân đối cung - cầu nguồn vốn để thực hiện cho vay Giải quyết việc làm, bởi thực tế nhu cầu vốn của người dân là rất lớn, đặc biệt là những hộ sát ngưỡng cận nghèo, hộ thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các công trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để có vốn chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm ổn định để chống tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nguồn vốn chỉ đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu vay của nhân dân. Nhất là chưa giải quyết được nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều lao động.

Hiệu quả của chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đời sống thu nhập của các đối tượng vay vốn được cải thiện đáng kể... đây là chương trình cho vay vốn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đánh giá cao. Tuy vậy, nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để tạo thêm nhiều việc làm mới, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Xuất phát từ chính nguồn vốn cho vay Giải quyết việc làm đã tạo ra nhiều mô hình vay vốn sản xuất, kinh doanh hiệu quả cho tỉnh Hòa Bình, trong đó một số mô hình điển hình có thể kể đến như trồng rừng, chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi lợn, nuôi cá lòng hồ sông Đà, trồng bưởi, trồng cam... đã phát huy hiệu quả, qua đó tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động, đời sống thu nhập của người dân được cải thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới ở Hòa Bình./.

PV