Nắm bắt các nhu cầu của thị trường lao động - việc làm đang có nhiều thay đổi, phần lớn các doanh nghiệp (người sử dụng lao động) ngày càng có nhu cầu Tuyển dụng lao động đã qua đào tạo thay vì lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Điện Biên đã tăng cường kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với Trung tâm dịch vụ việc làm để có thêm nhiều thông tin tư vấn cho người lao động trong quá trình hướng nghiệp và tìm việc làm phù hợp. Và để thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các văn bản Hướng dẫn thực hiện Luật GDNN; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020”.Hàng năm, UBND tỉnh Điện Biên phân bổ kinh phí hỗ trợ các cơ sở GDNN trên địa bàn đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDNN; chỉ đạo các Sở, ngành liên quan xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; chỉ đạo thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở GDNN; Các cơ sở GDNN hàng năm xây dựng, sửa đổi, bổ sung chương trình, giáo trình, học liệu. Đảm bảo các yêu cầu phù hợp, đáp ứng được nhu cầu đối mới và nâng cao chất lượng GDNN trong điều kiện của tỉnh.

Sau khi các Văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn của Chính phủ; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành. UBND tỉnh Điện Biên đã có các Văn bản chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện, triển khai tới các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh. Công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo phân cấp rõ ràng; các đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tại các Văn bản hướng dẫn. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động.

 

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Điện Biên trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Điện Biên đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển GDNN; thúc đẩy phát triển thị trường lao động; tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động, an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động.

Và để hỗ trợ phát triển GDNN, Điện Biên đã triển khai một số biện pháp cụ thể như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020; hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin để phấn đấu đến năm 2020, các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phương tiện, thiết bị dạy học phục vụ cho công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động dạy và học nghề.  Chuẩn hóa hệ thống chỉ tiêu, chỉ số thống kê và khai thác thông tin, dữ liệu về GDNN; Nâng cấp, xây dựng các phần mềm phục vụ quản lý, khai thác, phân tích dự báo cơ sở dữ liệu về GDNN và hệ thông thông tin GDNN; xây dựng cổng thông tin tích hợp cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực GDNN; Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường cao đẳng trên địa bàn theo Quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Chuẩn hóa, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDNN; Phát triển chương trình, đào tạo thí điểm, xây dựng danh mục thiết bị, tiêu chuẩn cơ sở vật chất và định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo GDNN; Thực hiện hoạt động kiểm định và đảm bảo chất lượng GDNN; Nâng cao năng lực tư vấn, hướng nghiệp, thông tin, tuyên truyền, dự báo nhu cầu đào tạo về GDNN gắn với việc làm đáp ứng thị trường lao động và công tác kiểm tra, giám sát…

Để phát huy hiệu quả của các chương trình hỗ trợ phát triển GDNN ở Điện Biên, hàng năm UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan yêu cầu các trường Cao đẳng xây dựng kế hoạch tuyển sinh, chuẩn bị chu đáo các nguồn lực, tổ chức thực hiện tuyển sinh, tư vấn học nghề trực tiếp tại các trường THCS và THPT trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể; thực hiện tuyên truyền, thông báo tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đến mọi người dân.

Triển khai nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ trong công tác hỗ trợ phát triển GDNN ở Điện Biên, bước đầu đã cho nhiều kết quả tích cực, cụ thể giai đoạn 2016 – 2018 đã tổ chức và đào tạo 4.770 học sinh, sinh viên; trong đó: Trình độ cao đẳng: 318 học sinh, sinh viên; Trình độ trung cấp: 671 học sinh, sinh viên; Trình độ sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên là 3.781 học viên. Đặc biệt chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng thực thế chuyên môn cho giáo viên và tay nghề cho HSSV các nghề trọng điểm như Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp.

Qua điều tra, khảo sát cho thấy tỷ lệ HSSV ra trường có việc làm đạt trên 80%, có thu nhập khá, được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao; thời gian tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp khoảng từ 1-3 tháng, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động có việc làm của tỉnh tăng hàng năm.

Hiện tại, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo một số nghề thuộc dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” như: Công nghệ ô tô và Điện công nghiệp tiếp tục tăng theo sự phát triển của xã hội, nhiều công ty, cơ sở sản xuất, gara, nhà xưởng trong và ngoài tỉnh đang cần nguồn nhân lực kỹ thuật có tay nghề, trong khi đó, số lượng HSSV tốt nghiệp các nghề trên chưa đáp ứng đủ số lượng của các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động.

Có thể khẳng định, việc hỗ trợ phát triển GDNN ở Điện Biên đã nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh, tỷ lệ lao động có tay nghề, lao động đã qua đào tạo ngày một tăng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thị trường cung - cầu lao động - việc làm của Điện Biên ngày càng có chất lượng và mang lại nhiều hiệu quả về xã hội, môi trường, và đời sống thu nhập kinh tế cho người lao động./.

 

Nhóm PV