Hội thảo Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” tổ chức tại Quảng Ninh

Thất nghiệp được coi là một vấn đề trung tâm trong xã hội hiện đại, là hiện tượng người có năng lực lao động nhưng không có cơ hội tham gia lao động xã hội, bị tách khỏi tư liệu sản xuất. Theo từ điển kinh tế học hiện đại, thất nghiệp là tình trạng “người lao động không có việc làm, bao gồm những người đang trong giai đoạn tìm việc làm mới hoặc những người không thể tìm được việc làm với mức tiền lương thực tế hiện hành”. Tại Điều 20 Công ước số 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì “thất nghiệp là sự ngừng thu nhập do người lao động không có khả năng tìm được việc làm thích hợp trong trường hợp người đó có khả năng làm việc và sẵn sàng làm việc”; Công ước số 168 đã bổ sung thêm một điều kiện nữa để xác định tình trạng thất nghiệp, đó là người lao động phải “tích cực tìm kiếm việc làm”.

Để giải quyết thất nghiệp, Chính phủ phải đưa ra nhiều chính sách và biện pháp khác nhau, trong đó chính sách bảo hiểm việc làm/bảo hiểm thất nghiệp đã được nhiều quốc gia lựa chọn và coi đó là biện pháp tối ưu nhằm bảo vệ người lao động phòng tránh thất nghiệp hoặc có các biện pháp hỗ trợ người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới.

Theo Công ước số 102 thì bảo hiểm thất nghiệp là một biện pháp hỗ trợ thiết thực về mặt tài chính cho người lao động trong lúc mất việc làm nhằm giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, cơ chế pháp lý này còn tạo dựng hệ thống các giải pháp như hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề làm góp phần ổn định tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động  bị mất việc làm có cơ hội tìm kiếm, thích ứng với công việc mới.

Dưới góc độ kinh tế - xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là một trong các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, Qũy bảo hiểm thất nghiệp do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp cùng với sự bảo hộ của Nhà nước, được coi là khoản thay thế một phần thu nhập, giúp ổn định cuộc sống cho người thất nghiệp trong thời gian tìm việc làm mới. Dù Qũy này không nhằm mục đích sinh lợi song nó thể hiện bản chất kinh tế thông qua chức năng phân phối thu nhập chung, hay nói cách khác là sự chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể cùng tham gia vào thị trường lao động.

Dưới góc độ pháp lý, bảo hiểm thất nghiệp là tổng thể các quy định của pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành nhằm đảm bảo việc xây dựng và sử dụng Qũy bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ một phần tài chính cho người thất nghiệp cũng như có các hỗ trợ giúp người thất nghiệp sớm tìm được việc làm. Điều 25 Tuyên ngôn về nhân quyền của Liên hợp quốc thông qua năm 1948 khẳng định “Mỗi người có quyền có một mức sống cần thiết cho việc giữ gìn sức khỏe bản thân và gia đình, có quyền được bảo đảm trong trường hợp thất nghiệp. Quyền được có việc làm, được làm việc và bảo vệ chống thất nghiệp là một trong những quyền cơ bản của con người. Nó không những đã được ghi nhận từ rất lâu trong pháp luật quốc tế mà còn được quy định ở hầu hết pháp luật quốc gia. Mục đích của bảo hiểm thất nghiệp là ngăn ngừa sự bất ổn định về kinh tế xã hội, hỗ trợ và đào tạo để giúp người lao động có thể nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.

Theo Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm thì “bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Qũy bảo hiểm thất nghiệp”.

Nhìn chung, bảo hiểm thất nghiệp chính là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động một cách hữu hiệu. Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ trao cho người lao động “con cá” mà còn cung cấp cho họ “cần câu” để họ tự xây dựng cuộc sống trong tương lai.Thông qua việc xây dựng và vận hành Qũy tài chính tập chung với sự tham gia của các chủ thể trong thị trường lao động (người lao động, người sử dụng lao động, Nhà nước) và là một chính sách của thị trường lao động tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng thất nghiệp./.
PV